Cổ phiếu của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) đã tăng nhanh và mạnh trong khoảng 1 tuần trở lại đây, đạt mức 119.000 – 121.000 VND/cp. Với những nhà đầu tư mua theo khuyến nghị của Báo cáo CTS Spotlight phát hành ngày 15/9/2017 tại vùng giá 108.000 – 113.000 VND/cp đã có lãi. Nhằm cập nhật tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để đưa ra quyết định đầu tư hợp lý, Phòng NCPT đã gặp Ban lãnh đạo PNJ. Sau đây là những nội dung cập nhật mới về PNJ:
– Hoạt động kinh doanh đang tăng trưởng rất tốt. Doanh thu và Lợi nhuận sau thuế 9T/2017 lần lượt đạt 7.910 tỷ đồng và 126 tỷ đồng, tăng 34% và 42% so với cùng kỳ năm 2016. Kết quả này đến từ việc PNJ đã mở rộng nhanh và có hiệu quả mạng lưới bán lẻ. Hiện nay PNJ đang sở hữu 250 cửa hàng bán lẻ trên cả nước. Chỉ tính riêng trong quý 3/2017, PNJ đã khai trương thêm 11 cửa hàng mới.
– Hệ thống bán lẻ tiếp tục được mở rộng. Con số 250 cửa hàng hiện tại của PNJ là ấn tượng khi PNJ mới chỉ bắt đầu chú trọng đến hoạt động bán lẻ từ năm 2015. Thông thường một cửa hàng bán lẻ của PNJ sẽ bắt đầu đạt điểm hòa vốn sau 12-18 tháng, vì vậy, những cửa hàng đã mở tại thời điểm 2015 và 2016 đang mang lại nguồn thu tốt trong khi những cửa hàng mới mở đang cho thời gian hòa vốn nhanh hơn do thương hiệu PNJ hiện nay đang mạnh nhất trong lĩnh vực bán lẻ các sản phẩm trang sức (thị phần bán lẻ trang sức của PNJ đang là 26,5%, vượt xa các đối thủ đứng sau là SJC và Doji – thị phần đều dưới 10%). Do đó, giai đoạn 2017 – 2020 sẽ là giai đoạn mà PNJ bước và chu kỳ tăng trưởng mạnh. PNJ dự kiến đến hết tháng 4/2018, số lượng cửa hàng bán lẻ sẽ đạt con số 300 cửa hàng – chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập PNJ (28/4/1988 – 28/4/2018).
– Trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận gộp, hoạt động bán lẻ cũng cho thấy rõ sự tăng trưởng tốt. 9 tháng đầu năm 2016, bản lẻ vàng trang sức (gold jewelry – sản phẩm chính mang lại doanh thu và lợi nhuận của PNJ) đóng góp 59% trong tổng doanh thu và 85,5% trong cơ cấu lợi nhuận gộp và con số này đã lên mức 63,2% và 92% tại thời điểm 9 tháng đầu năm 2017.
– Quá trình sản xuất các sản phẩm của PNJ cũng đã được hoàn thiện với các chuẩn mực về chất lượng sản phẩm và quy trình ERP. Điều này đem lại cho PNJ lợi thế cạnh tranh lớn với các cửa hàng nhỏ lẻ, đặc biệt là khi Thông tư 22/2013/TT-BKHCN của Bộ Khoa học Công nghệ được ban hành quy định về quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường.
– Tiềm năng tăng trưởng ngành còn nhiều dư địa với dân số Việt Nam khoảng 95 triệu người và xu thế mới của người tiêu dùng ưa thích sử dụng trang sức thay vì tích trữ vàng miếng, đặc biệt là ở khu vực phía Nam.
– Dự báo doanh thu lợi nhuận năm 2017 khả quan. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2017 dự kiến đạt 10.800 tỷ đồng và 750 tỷ đồng, EPS 2017 đạt 6.900 VND/cp. Với mức P/E trung bình ngành bán lẻ Việt Nam là 20 lần, giá trị hợp lý của PNJ vào khoảng 138.000 VND/cp.
Sau khi trao đổi với Ban lãnh đạo doanh nghiệp, Phòng NCPT cho rằng tiềm năng tăng giá của cổ phiếu PNJ vẫn còn, đặc biệt vào mùa cao điểm Quý 4 và Quý 1 hàng năm (mùa lễ hội, Tết). Do đó, Phòng NCPT khuyến nghị tiếp tục nắm giữ cổ phiếu PNJ với mức giá mục tiêu chốt lời trong 6 tháng tới là 135.000 – 140.000 VND/cp như đã đề cập trong Báo cáo CTS Spotlight phát hành ngày 15/9/2017.