Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank Securities), Sở giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE), Công ty Cổ phần Traphaco (TRA) phối hợp tổ chức hội thảo “Ngành Dược Việt Nam – Cơ hội từ thay đổi chính sách. Gặp gỡ Công ty Cổ phần Traphaco (TRA)”.
Thời gian: 15h30, thứ Hai, ngày 14/11/2016.
Địa điểm: Trụ sở HOSE, 16 Võ Văn Kiệt, Q.1, TP.HCM.
(Ảnh – Hiện đã có hơn 200 NĐT và hơn 20 phóng viên báo chí tham dự hội thảo)
Đến tham dự Hội thảo gồm có:
Đại diện Ngành: Ông Lê Văn Truyền – PGS.TS – Chuyên gia cao cấp Dược học – Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế;
Đại diện từ HOSE: Ông/bà Trần Anh Đào – Phó TGĐ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh;
Đại diện từ TRA: Bà Vũ Thị Thuận – Chủ tịch HĐQT CTCP Traphaco;
Đại diện từ Công ty Chứng khoán Công Thương: Ông Thái Hoàng Long – Phó Tổng Giám Đốc CTCP Chứng Khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam, Ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc trung tâm Nghiên cứu, Ông Đặng Trần Hải Đăng – Phó Giám đốc trung tâm Nghiên cứu
Ở đầu chương trình là phần phát biểu của bà Trần Anh Đào, Phó TGĐ Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại hội thảo, Bà Trần Anh Đào – Phó TGĐ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh cho biết: Đây là buổi hội thảo thứ năm HOSE phối hợp với VietinBanksc tổ chức, cũng là một trong số chuỗi hội thảo được tổ chức theo bộ phân ngành theo chuẩn MSCI. Đầu năm 2016, HOSE đã giới thiệu bộ chỉ số ngành theo chuẩn MSCI. Đây là nỗ lực HOSE để đưa thị trường Việt Nam gần hơn với khu vực và nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thế giới. Với hội thảo lần này, HOSE vui mừng chào đón quý vị lãnh đạo đến từ Bộ Y tế, Công ty CP Traphaco, và VietinBanksc đến dự hội thảo với chủ đề thay đổi chính sách ngành Dược. Bà Trần Anh Đào cho biết thêm ngành dược đã tăng trưởng hơn 60% từ đầu năm. Riêng trong quý 3, ngành dược đã tăng tưởng 98%, chứng tỏ đây là một trong những ngành cốt lõi hấp dẫn nhất.
(Ảnh – Bà Trần Anh Đào – Phó TGĐ Sở Giao Dịch HOSE)
Mở đầu nội dung buổi hội thảo là phần trình bày của Ông Lê Văn Truyền – PGS TS, Chuyên gia cao câp – Nguyên Thứ trưởng Bộ y tế.
(Ảnh – Ông Lê Văn Truyền – Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế)
Phần trình bày đầu tiên của Ông Truyền mang đến cho NĐT bức tranh tổng quan và xu hướng phát triển của ngành Dược thế giới nói chung và ngành Dược Việt Nam nói riêng. Ông theo biết, hàng năm có không ít hơn 1 tỷ USD chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe. Ông tin rằng với sự mở cửa của thị trường, Việt Nam được kì vọng sẽ thu hút nhiều sự đầu từ vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
(Ảnh – Đông đảo các NĐT đã tham gia theo dõi hội thảo)
Dược phẩm thế giới
Thực trạng và thách thức
Theo Ông Truyền, ngành dược được xếp thứ 6 sau hàng không, công nghệ vũ trụ,… trong các ngành có doanh thu cao nhất. T
iêu dùng thuốc toàn thế giới hiện nay là $1.200 tỷ USD, trong đó biệt dược sáng chế (patented drugs) chiếm 50% (615-645 tỷ USD), và các bảo hộ sáng chế này kéo dài khoảng 20 năm. Sau TPP, các bảo hộ này dự kiến sẽ kéo dài thêm khoảng 12 năm nữa. Trong khi đó, t
huốc generics chiếm 30% (400-430 tỷ USD). Chi tiêu thuốc trên đầu người giữa các nước phát triển và Pharmerging có sự chênh lệch lớn (609 USD so với 91 USD). Ngành dược Việt Nam được xếp trong 16 nước Pharmerging với chi tiêu khoảng 40 USD. Do đó, Ông Truyền cho rằng “room” phát triển của thị trường dược phẩm Việt Nam còn rất lớn, khoảng 12 lần.
Ngoài ra, số NME (New Molecule Entity) là 160-185. Tăng trường thị trường dược phẩm toàn cầu là 3 – 6%/năm, trong đó thị trường dược phẩm Hoa Kỳ là 1- 4%/năm và thị trường dược phẩm các nước Pharmerging là 12 – 15%/năm. Giá trị các loại thuốc hết patent hiện ở mức 106 tỷ USD. Ông cho rằng, sau khi thuốc hết bản quyền, hàng trăm đối thủ sẽ tham gia sản xuất thuốc generics, do đó công ty sở hữu thuốc patent sẽ phải giảm giá bán, dẫn đến thất thoát khoảng 100 tỷ mỗi năm.
Tiếp đó Ông Truyền chỉ ra 4 thách thức của công nghiệp Dược phẩm toàn cầu, bao gồm:
(1) Phân phối hợp lý giá trị giữa cổ đông/người được hưởng lợi (người tiêu dùng/người bệnh)
(2) Môi trường kinh doanh tăng trưởng chậm (suy thoái toàn cầu)
(3) Hiệu quả của hoạt động R&D thấp. Ông cho rằng đa số các doanh nghiệp chỉ dùng <1% doanh số cho R&D là chưa có tầm nhìn. Do đó, tỷ lệ thành công nghiên cứu thuốc mới thấp và chi phí R&D cao hơn 1 tỷ US$/một hoạt chất mới (từ 2010).
(4) Rủi ro/nguy cơ cao, lòng tin giảm
Qua đó, Ông Truyên nhấn mạnh yếu tố thành công của các công ty Dược phẩm chính là có thể chứng minh được lợi ích của các sản phẩm và dịch vụ của mình. Hiện nay ở VN lượng lớn người mắc các bệnh như tim mạch, đái tháo đường,…. tuy nhiên giá thuốc hầu như ngoài tầm với đa số người dân. Qua đó, Ông Truyền chỉ ra rằng, vấn đề các doanh nghiệp phải giải quyết là để thuốc tiếp cận người bệnh, cụ thể bán thuốc giá rẻ cho nhiều người có lợi nhuận cao hơn chỉ bán thuốc giá cao cho 1 bộ phận người bệnh.
Chiến lược giai đoạn tới
Để đối phó với các thách thức của ngành Dược thế giới, Ông Truyền đưa ra 5 chiến lược cụ thể:
(1) Soát xét, đánh giá lại “Chiến Lược Sản Phẩm”, cụ thể về khía cạnh đáp ứng nhu cầu thị trường và cân bằng giữa Chất lượng và Giá cả.
Các doanh nghiệp VN phải nghiên cứu, dự báo, và sản xuất ra các loại thuốc phù hợp với mô hình bệnh tật ở VN. Ông Truyền cho rằng, các doanh nghiệp VN hiện tại vẫn chưa làm tốt công đoạn này. Cho tới thời điểm này, chưa có doanh nghiệp nội nào đứng lên ý kiến với Bộ Y tế để nhận sản xuất các loại thuốc mà hiện tại vẫn phụ thuộc nhập khẩu nước ngoài.
(2) Đầu tư vào cơ sở hạ tầng về tiếp thị và bán hàng
Ông Truyền cho rằng, vấn đề này các doanh nghiệp nước ngoài rất mạnh, sử dụng công nghệ hiện đại vào quản lý bán hàng. Các doanh nghiệp nước ngoài hiện cũng đang rất tham vọng muốn đặt chân vào thị trường Việt Nam. Do đó Ông cho rằng cần đẩy nhanh hiện đại hóa bán hàng và tiếp thị ở các thị trường đã phát triển và đầu tư dài hạn cho các thị trường mới nổi. Ngoài ra, đẩy nhanh sự phát triển và tích hợp truyền thông xã hội và “chính sách sức khỏe lưu động” (mobile-health policy, một mảng phụ của eHealth, là việc dùng các thiết bị di động cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng như thu thập thông tin về dữ liệu sức khỏe cộng đồng).
(3) Thu hút nhân tài và kinh nghiệm từ các ngành công nghiệp khác
Các nhà quản lý công nghiệp dược cần thu hút nhân tài và kinh nghiệm ngoài các nhóm “chuyên gia truyền thống” của các công ty dược phẩm. Xem xét lại vị trí truyền thống/độc tôn của dược sỹ trong sản xuất & kinh doanh dược phẩm. Ông cho rằng cần thu hút các nhân tài như chuyên gia doanh nghiệp, chuyên gia về gene,… để phát triển các công nghệ như công nghệ xanh trong sản xuất thuốc.
(4) Ưu tiên cho hoạt động R&D đối với danh mục sản phẩm
Ông cho rằng hiện tại các doanh nghiệp cần đầu tư ít nhất 5% cho hoạt động R&D để đạt được những hiểu quả nhất định.
(5) Soát xét lại các tiêu chuẩn về quản trị doanh nghiệp, bao gồm các tiêu chuẩn về nhân viên, cán bộ lãnh đạo, danh mục sản phẩm, đầu tư cho marketing
Ông cho biết thêm, chiến lược của công nghiệp dược toàn cầu đã được thay đổi phù hợp theo từng giai đoạn phát triển, cụ thể:
– Giai đoạn 1950 – 1985: Tiếp thị sản phẩm (người bán thuốc)
– Giai đoạn 1986 – 1994: Khách hàng/Bệnh nhân (người tham gia giải quyết vấn đề sức khỏe/bệnh tật)
– Giai đoạn 1995 – 2005: Tham gia quản lý bệnh tật (disease management) cùng với ngành y tế quốc gia/thế giới
– Giai đoạn sau 2005: Khả năng tiếp cận/giải quyết các vấn đề sức khỏe của cộng đồng (public health)
Ông cho biết thêm, hình ảnh của các công ty đa quốc gia thường chưa tốt do chủ yếu “kinh doanh bệnh tật”, nghĩa là mong nhiều người mắc bệnh để bán thuốc. Thay vào đó, ông cho rằng nên chủ động tiếp cận giải quyết các vấn đề sức khỏe của cộng đồng. Cuối cùng Ông Truyền khẳng định, dù chiến lược là gì thì Mọi thay đổi phải bắt đầu từ cấp lãnh đạo cao nhất.
Ngành dược Việt Nam
Theo Ông Truyền, ngành Dược VN phát triển nhanh nhất Châu Á, đứng thứ 17/175 các quốc gia trên thế giới (theo BMI) với
CAGR trung bình giai đoạn 2010-2015 là 17-20%. Đến năm 2017, tốc độ phát triển thị trường vẫn được dự đoán sẽ cao hơn 17%. Khoảng 4,2 tỷ USD dược phẩm đã được tiêu thụ năm 2015 (theo VIRAC, SJC), theo đó tiêu thụ bình quân đầu người ở mức 40USD, gấp đôi năm 2010. Điều này chủ yếu là do sự gia tăng tầng lớp thu nhập cao và sự mở rộng BHYT toàn dân. Tuy nhiên sản lượng thuốc sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu (2015), còn lại phải nhập khẩu. Giá trị nhập khẩu tăng 16%/năm.
Về mặt năng lực sản xuất, tính tới năm 2015 cả nước có khoảng 150 nhà máy đạt WHO-GMP, 03 nhà máy nội địa ((Savipharm, Stada và Pymepharco) và và các nhà máy FDI (Sanofi, Nipro …) đạt PIC/S-GMP, EU-GMP. HIện các doanh nghiệp dược cũng đang đẩy mạnh đầu tư các nhà máy mới theo tiêu chuẩn PIC/S GMP, EU GMP…
Về thu hút đầu tư nước ngoài, tính đến năm 2015, ngành dược phẩm đã thu hút được hơn 40 dự án FDI với tổng giá trị là 650 triệu USD. Các dự án nổi bật gần đây có thể kể đến Sanofi 80 triệu USD, Nipro: 250 tr. USD… Ngoài ra, các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia và công ty nước ngoài cũng đang đẩy mạnh mua cổ phần các công ty dược VN. Các hoạt động hợp tác với nước ngoài chủ yếu là sản xuất theo hợp đồng, sản xuất gia công, chuyển giao công nghệ… theo chiến lược “out-sourcing”.
Phân tích SWOT
Ông Truyền cho biết các thế mạnh của ngành dược phẩm VN có thể kể đến:
(1) Đa số các công ty trong nước đã có mạng lưới phân phối
(2) Đa số nhà máy trong nước đạt WHO-GMP
(3) Chất lượng thuốc được nâng cao trong hai thập kỷ gần đây (1996 – 2015)
(4) Chi phí lao động và quản lý thấp, giá thuốc phù hợp với thu nhập của đa số người dân
Tuy nhiên, vẫn có những điểm yếu đã tồn tại từ lâu như:
(1) Thiếu chiến lược trung và dài hạn. Theo ông xét theo toàn ngành, các bác sỹ VN đều kê thuốc chậm 10 năm so với tình hình thị trường.
(2) Kỹ năng tiếp thị kém. Hệ thống logistic phân phối không hiện đại
(3) Chủ yếu sản xuất generic nhưng không phải là các “first generic”
(4) Công nghệ sản xuất trình độ trung bình
(5) Trình độ sáng tạo thấp (thể hiện ở số bằng sáng chế trong nước đăng ký <1%).
(6) Chủ yếu sản xuất các dạng “bào chế quy ước”. Ít có các dạng bào chế công nghệ cao
(7) Năng lực tài chính thấp: thiếu vốn đầu tư, chủ yếu vay ngân hàng với lãi suất cao
(8) 90% nguyên liệu nhập khẩu
(9) Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trình độ và kỹ năng R&D yếu
(10) Chảy máu chất xám
Ông Truyền tiếp tục chỉ ra các cơ hội và thách thức đối với ngành dược trong thời gian tới như sau:
Cơ hội:
(1) Quy mô dân số (#100 triệu/2020)
(2) Nhu cầu thuốc tăng nhanh, chi phí thuốc bình quân đầu người còn rất thấp so với bình quân/thế giới
(3) Chính sách ưu tiên của Chính Phủ đối với công nghiệp dược (an sinh xã hội, nhu cầu thiết yếu…). Tuy nhiên theo ông, đôi lúc sự quan tâm quá này sẽ có tác động xấu tới giá thuốc.
(4) Xu hướng “out sourcing” của các MNCs (giảm chi phí, đa dạng hóa đầu tư, “không bỏ tất cả trứng vào một giỏ”…)
(5) Xu hướng M&A của các MNCs và nhà sản xuất nước ngoài
Nguy cơ:
(1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, lạm phát, chính sách tiền tệ đang thắt chặt (lãi suất, điều kiện vay vốn …)
(2) Vấn đề chính sách giá thuốc (cơ chế quản lý giá, chính sách đấu thầu …)
(3) Tâm lý chuộng thuốc ngoại (thầy thuốc và bệnh nhân)
(4) Khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế (2016: #50% tỉnh thâm hụt quỹ). BHYT thắt chặt “hầu bao”
(5) Thiếu nhân lực trình độ cao (quản lý doanh nghiệp, R&D …)
(6) Năng lực cạnh tranh yếu (TPP, AEC, các BTAs…):mở cửa thị trường, giảm rào cản hành chính, bỏ phân biệt đối xử quốc gia, thuế nhập khẩu nội khối 0% …
(7) Năng lực quản trị doanh nghiệp
(8) Chiến lược sản xuất kinh doanh trung hạn, dài hạn của doanh nghiệp
(9) Tư duy nhiệm kỳ
Chiến lược phát triển ngành dược giai đoạn tới 2020, tầm nhìn 2030
Để kết thúc phần trình bày của mình, Ông Truyền chỉ ra mục tiêu phát triển của ngành dược tới năm 2020 như sau:
• Đảm bảo 100% nhu cầu thuốc cho CSSK nhân dân
• Công nghiệp dược trong nước đáp ứng 80% nhu cầu thuốc thành phẩm và 20% nguyên liệu làm thuốc (API). Sản xuất được thuốc generics đạt tiêu chuẩn để giảm sự phụ thuộc vào thuốc generic nhập khẩu từ Ấn Độ
• Nâng cao chất lượng thuốc, 40% thuốc generic đăng ký được thử sinh khả dụng (BA) và tương đương sinh học (BE)
• Công nghiệp dược nội địa đảm bảo 70% nhu cầu (2015) và 80% (2020)
• Nâng cao năng lực Nghiên cứu và Phát triển (R&D) dược phẩm
• Phát triển hóa dược, đảm bảo 20% nguyên liệu dược (2015) và 50% (2020)
• Đầu tư các nhà máy kỹ thuật cao, sản xuất thuốc chất lượng cao
• Xây dựng các trung tâm R&D và đánh giá BA/BE
• Xây dựng các nhà máy sản xuất nguyên liệu hóa dược và chiết xuất hoạt chất
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà nước có chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ trong sản xuất dược phẩm, vacxin, hóa dược và kháng sinh… các trung tâm đánh giá tương đương sinh học/sinh khả dụng.
Về luật dược sửa đổi đã được thông qua và dự kiến áp dụng từ 1/1/2017, chính sách của nhà nước ưu tiên phát triển vùng nguyên liệu, nghiên cứu khoa học về công nghệ bào chế và công nghệ sinh học, sản xuất thuốc trong nước, hoàn thiện hệ thống phân phối,…
Nội dung tiếp theo của buổi hội thảo là phần trình bày của Ông Đặng Trần Hải Đăng – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu – CTCP Chứng khoán Công thương Việt Nam (VietinbankSc) về Triển vọng ngành Dược Việt Nam và Cơ hội đầu tư cổ phiếu doanh nghiệp ngành.
(Ảnh – Ông Đặng Trần Hải Đăng – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu – Phân tích VietinBank Securities)
Động lực và Triển vọng tăng trưởng cổ phiếu ngành Dược
Ông Đăng cho rằng, nhu cầu thuốc là nhu cầu thiết yếu đối với tất cả người dân. Tiềm năng tăng trưởng của ngành là rất lớn, theo dự báo của BMI ngành Dược sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng hai chữ số trong giai đoạn 5 năm tới khoảng 11,8%. Những triển vọng tích cực này cũng đã được phản ánh vào diễn biến cổ phiếu ngành trong gian đoạn vừa qua khi nhóm cổ phiếu này luôn thuộc top những ngành đạt mức tăng tốt nhất. Theo đó, Ông Đăng đưa ra những dẫn chứng cụ thể (theo thống kê của Fiinpro) về những mốc tăng trưởng ấn tượng của ngành Dược so với Vnindex cũng như những ngành nghề khác. Tính chung 12 tháng trở lại đây, ngành Dược đạt mức tăng xấp xỉ 70%, trong 3 tháng vẫn duy trì mức tăng tốt là khoảng 10% (theo số liệu ngày 8/9/2016).
Vậy đâu là động lực tăng trưởng chính cho cổ phiếu ngành Dược. Theo như nhận định của ông Đăng, có 3 động lực chính giúp cổ phiếu ngành Dược đạt được và duy trì mức tăng trưởng cao và ổn đinh:
(1) Hoạt động kinh doanh cốt lõi phát triển bền vững
Thông qua con số tăng trưởng ngành giai đoạn 2011-2015 cũng như dự báo tăng trưởng ngành giai đoạn 2016-2020, lần lượt là 14,1% và 11,8%. Ông Đăng cho thấy quá trình phát triển cũng như tiềm năng tăng trưởng bền vững của ngành Dược Việt Nam. Do tính chất đặc thù của ngành yêu cầu cao cả về năng lực quản lý cũng như năng lực chuyên môn, nên hầu hết các DN trong ngành đều tập trung phát triển hoạt động kinh doanh cốt lõi. Do đó, với những đặc điểm ngành là mặt hàng thiết yếu không thể thay thế, kèm theo yếu tố tích cực hỗ trơ như (1) Sự bùng nổ dân số; (2) Nhận thức về chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng; (3) Thu nhập bình quân đầu người dần được cải thiện và (4) Mức chi tiêu bình quân cho dược phẩm còn thấp, Ông Đăng chỉ ra rằng việc các DN tập trung đầu tư phát triển hoạt động kinh doanh cốt lõi đã giúp các DN đạt được kết quả kinh doanh khả quan, điều này được xem là yếu tố quan trọng giúp cổ phiếu ngành Dược đạt được mức tăng cao như thời gian vừa qua.
Để dẫn chứng cụ thể hơn về nhận định này, ông Đăng đưa ra con số tổng hợp về kết quả kinh doanh của các DNNY trong ngành 9 tháng đầu năm 2016 cùng với biến động giá cổ phiếu cùng giai đoạn. Cụ thể, có tới 93,75% DN ghi nhận tăng trưởng DT, 75% ghi nhận tăng trưởng LNST, và 100% các DNNY ghi nhận tăng trưởng về giá CP.
(2) Kỳ vọng từ Luật Dược sửa đổi (có hiệu lực từ 1/1/2017)
Một yếu tố khác theo ông Đăng cũng có tác động khá lớn lên diễn biến giá của cổ phiếu ngành Dược đó là kỳ vọng NĐT vào những điểm mới của Luật Dược sửa đổi đã được thông qua (dự kiến sẽ có hiệu lực chính thức vào đầu năm 2017). Điển hình là (1) những quy định liên quan đến hoạt động đấu thầu ưu tiên nguồn nguyên dược liệu và sản phẩm trong nước nếu đáp ứng được các yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp; (2) Cho phép nộp hồ sơ đăng ký thuốc generic sớm trước khi biệt dược gốc hết hạn quyền sở hữu công nghiệp và (3) ưu tiên hỗ trợ phát triển nuôi trồng dược liệu. Những điểm mới này được kỳ vọng là sẽ đem lại cơ hội mới cho doanh nghiệp ngành Dược, qua đó hỗ trợ tăng trưởng giá của cổ phiếu ngành.
(3) Kỳ vọng nới room
Đặc biệt, theo ông Đăng, kỳ vọng của thị trường về khả năng nâng trần quy định 49% đối với tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài được nới rộng theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP đã trở thành chất xúc tác mạnh mẽ lên thị trường Việt Nam, trong đó có cổ phiếu ngành Dược. Có thể kể đến những DN kín room như DHG, TRA, DMC và IMP đã thu hút dòng tiền đặc biệt là vốn ngoại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có cổ đông chiến lược là công ty dược phẩm quốc tế lớn như Abbott (DMC) hay Taisho Pharmaceutical (DHG) cũng là yếu tố mà NĐT quan tâm và kỳ vọng. Đây đều những cổ phiếu Dược tăng trưởng hàng đầu trong năm 2016 (DHG – 70%; DMC – 178%; IMP 67%; TRA – 113% tính trong 1 năm trở lại đây). Tuy nhiên một rào cản với việc nới room là các DN nước ngoài không được trực tiếp phân phối thuốc, như TH của DMC đã phải loại bỏ mảng phân phối ra khỏi đăng ký kinh doanh của công ty.
Cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành dược
Gặp gỡ doanh nghiệp Dược phẩm Việt Nam – CTCP Traphaco (TRA)
Trong buổi hội thảo này, cũng có sự góp mặt của đại diện DN trong ngành Dược phẩm Việt Nam – CTCP Traphaco, mã niêm yết TRA (HOSE), hiện đang được đánh giá là một trong những cổ phiếu dược tiềm năng nhất trong ngành. Đây là cơ hội gặp gỡ, giao lưu trực tiếp giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư, giúp NĐT quan tâm đến TRA nói riêng và doanh nghiệp dược nói chung có được cái nhìn sâu hơn về tình hình HĐKD của DN.
(Ảnh – Bà Vũ Thị Thuận – CT HĐQT Công ty Cổ phần Traphaco)
Bà Thuận phát biểu, Traphaco là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực sản xuất đông dược và luôn kiên định với mục tiêu duy nhất “Con đường sức khỏe xanh” cho cộng đồng. Đó là một chiến lược có sức lan tỏa mãnh liệt và lâu dài, khẳng định quan điểm phát triển của công ty: “Vì môi trường xanh, Vì sức khỏe cộng đồng, vì sự phồn vinh của đất nước”.
Vị thế của TRA
Để giúp NĐT hiểu rõ hơn về DN, bà Thuận đưa ra những yếu tố chính tạo nên vị thế của TRA trong ngành
(1) Thị trường dược phẩm hấp dẫn
Việt Nam có tốc độ tăng dân số nhanh, đồng thời ý thức về sức khỏe ngày càng được nâng cao, điều này tạo ra lực cầu lớn về thuốc và các dịch vụ y tế. Chi tiêu dược phẩm trên đầu người ở Việt Nam hiện đang ở mức 111USD, khá thấp so với các nước khác trong khu vực như Phillipines (122USD), Thái Lan (264USD) hay Malaysia (423USD). Thêm vào đó, thu nhập cũng gia tăng khi Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tầng lớp cao và trung lưu nhanh nhất Đông Nam Á. Những yếu tố đó được kỳ vọng giúp thị trường Dược VN tiếp tục tăng trưởng ở mức 2 con số đến năm 2019.
(2) Thị phần lớn tạo nên vị thế dẫn đầu thị trường
Theo báo cáo của IMS, tính đến Q2/2016, DHG có mức vốn hóa là 1.753 tỷ VND, TRA là 966 tỷ VND. Hai doanh nghiệp dược nước ngoài lớn nhất tại thị trường Việt Nam là Sanofi và GSK có mức vốn hóa lần lượt là 2.545 và 2.164 tỷ VNĐ. Như vậy, TRA là doanh nghiệp dược niêm yết lớn thứ 2 tại VN. Ngoài ra TRA cũng đạt mức tăng trưởng nhanh nhất trong các DN dược trong nước đã niêm yết, ở mức gần 13%.
TRA sở hữu 1,3% thị phần toàn bộ thị trường Dược VN (cả nội địa cả nhập khẩu), trong đó thị trường OTC chiếm 3,43%, đứng thứ 2 sau Sanofi.
Tóm lại, những yếu tố như mức vốn hóa lớn thứ 2, tăng trưởng cao nhất, thị phần OTC đứng thứ 2, đã giúp TRA trở thành một trong những doanh nghiệp đầu ngành dược. TRA có trên 230 sản phẩm, trong đó nhóm top 10 có tốc độ tăng trưởng cao và tiềm năng chính. Sản phẩm tiêu biểu của TRA phải kể đến Boganic và Hoạt huyết dưỡng não, xếp hạng lần lượt là 3 và 13 về mặt doanh thu tại thị trường OTC (theo IMS Health). Cả 2 dòng sản phẩm này đều là lựa chọn số 1 trong dòng sản phẩm tương ứng và theo bà Thuận, hiện chưa có đối thủ trong 2 dòng sản phẩm này.
(3) Hệ thống phân phối trải rộng cả nước
TRA có mạng lưới phân phối lớn mạnh khắp cả nước với 22 chi nhánh và 3 công ty con (Thái Nguyên, Đắc Lắc, Quảng Trị), bán trực tiếp cho gần 23.000 nhà thuốc (chiếm 55% tổng số nhà thuốc toàn quốc, tăng từ mức 13.000 năm 2013), 600 nhân viên kinh doanh, đồng thời chú trọng áp dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý hệ thống bán hàng. Điều này giúp công ty có tỷ lệ doanh thu OTC chiểm 84,6% tổng DT Q2/2016, tăng từ mức chỉ 40% vào năm 2013. Tuy nhiên tăng doanh thu OTC, nhất là bán buôn, đồng nghĩa với tăng chi phí bán hàng, do đó công ty luôn chú trọng việc kiểm soát trực tiếp các khách hàng bán lẻ để duy trì sự phát triển bền vững của hệ thống phân phối.
(4) Chuỗi cung ứng khép kín, nhiều dư địa mở rộng sản xuất
TRA sở hữu 1 chuỗi giá trị bền vững, từ vùng nguyên liệu tới nhà máy và tới phân phối ra thị trường. Trong khi các nhà sản xuất đông dược khác ở VN phải nhập khẩu 90% dược liệu, TRA đã đi đầu trong việc phát triển vùng nguyên liệu và là DN dược đầu tiên của VN tự cung cấp được 72% dược liệu cho nhu cầu sản xuất của mình. Phần dược liệu còn lại được thu mua trong nước (20%) hoặc nhập khẩu (8%) do một số cây thuốc đặc biệt phải trồng ở vùng ôn đới.
Vùng nguyên liệu của TRA gồm 36.000 ha vùng trồng đạt tiêu chuẩn GACP-WHO cho 10 loại dược liệu khác nhau phục vụ các nhóm sản phẩm chính của TRA. Hàng năm, vùng nguyên liệu này trồng được 2.200 tấn dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO, cao nhất trong các doanh nghiệp tự trồng dược liệu tại Việt Nam (BV Pharma là 500 tấn, Domesco là 250 tấn).
Về năng lực sản xuất, hiện tại TRA đang có 2 nhà máy với tổng công suất sản xuất là 1 tỷ đơn vị sản phẩm 1 năm. Cụ thể, nhà máy sản xuất tại Hà Nội đạt tiêu chuẩn GMP-WHO rộng 9.000 m2 và nhà máy Đông dược tại Hưng Yên rộng 40.000m2 (hiện đang hoạt động 50% công suất dù đã được đưa vào hoạt động được 10 năm). Công ty chủ trương xây dựng nhà máy cho sản xuất đông dược và tân dược riêng rẽ.
Ngoài ra công ty đang xây dựng 1 nhà máy Dược mới tại Hưng Yên rộng 46.000m2 dự kiến đưa vào hoạt động năm 2017. TRA đầu tư 21.1 triệu USD cho nhà máy mới này. Tiêu chuẩn dự kiến là EU-GMP và công suất thiết kế là 900 triệu đơn vị sản phẩm/năm. Nhà máy này thể hiện quyết tâm của TRA là lấn sang mảng tân dược, cạnh tranh bằng công nghệ cao, và tận dụng sản xuất nhượng quyền.
(5) Ban lãnh đạo tâm huyết và gắn bó với nghề
HĐQT của TRA gồm 7 thành viên, huyết, gắn bó với công ty: 20-30 năm. Nguồn nhân lực với 30% cán bộ điều hành…; HĐQT 6/7 không điều hành, 1 thành viên độc lập; Ban Giám đốc: cao học dược + quản trị kinh doanh, trong đó Chủ tịch HĐQT là bà Vũ Thị Thuận đã dẫn dắt TRA được 5 nhiệm kỳ, từ 2000. Đến nay bà đã gắn bó với Traphaco được 30 năm và góp phần không nhỏ đưa TRA từ 1 đơn vị sản xuất nhà nước nhỏ thành doanh nghiệp số 1 ngành đông dược. Bà sinh năm 1956 và có trình độ Thạc sĩ Dược học. Mô hình HĐQT của TRA hướng tới sự tách bạch giữa BOD và ban quản trị, phù hợp với xu hướng thế giới và Luật doanh nghiệp.
(6) Nền tảng tài chính vững chắc
Số dư tiền mặt rất tốt, công ty không phải vay nợ trong nhiều năm trở lại đây. Tỷ lệ LNG và LNST tăng liên tục. Dự kiến năm 2016, tỷ lệ LNG là 46% và tỷ lệ LNST là 10%. ROE và ROA lần lượt là 20% và 14%, chỉ thấp hơn DHG ở mức 25% ROE và 16% ROA.
Năng lực quản trị vốn lưu động của TRA cũng ngày càng được cải thiện khi tổng số vòng quay tiền giảm từ 132 ngày năm 2012 xuống chỉ còn 79 ngày năm 2016f. Điều này giúp TRA trở thành DN quản lý vốn lưu động hiệu quả nhất so với các đối thủ, ví dụ DHG (127 ngày), DMC ( 148 ngày) hay OPC (227 ngày). Hầu như TRA không có nợ xấu. Ngoài ra điều quan trọng nhất là TRA có vòng quay sản xuất phù hợp với tốc độ bán hàng, do đó hạn chế được việc hàng hư hỏng.
(7) Các cơ hội mở rộng lớn trong tương lai
Bà Thuận cho biết TRA luôn chủ trương nắm bắt các cơ hội phát triển mạnh mẽ với mục tiêu 2020 trở thành DN dược số 1 VN trên phương diện vốn hóa, DT và LN. TRA cũng chú trọng các hoạt động về cộng đồng cũng như gắn kết người lao động. Công ty mới đây đã được vinh danh trong top 20 công ty sản xuất dược phẩm tốt nhất VN.
Phần hỏi đáp diễn ra sôi nổi
Tiếp theo chương trình, hội thảo diễn ra sôi nổi với phần trao đổi trực tiếp giữa các chuyên gia và đại diện các bên gồm: PGS. TS Lê Văn Truyền – Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chuyên gia UNDP về dược; Bà Vũ Thị Thuận – Chủ tịch HĐQT CTCP Traphaco; Ông Thái Hoàng Long – Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng Khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam; và Ông Đặng Trần Hải Đăng – PGĐ Trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán Công thương.
NĐT 1: Như số liệu vừa được trình bày, quy mô ngành dược là 4.2 tỷ USD có bao gồm thực phẩm chức năng (TPCN) hay không? Bộ Y tế có tiêu chuẩn gì với sản phẩm gắn nhãn bio không?
TRA mới đây đã công bố bán dược phẩm Thái Nguyên. Xin CTCP TRA cho biết tình hình thương vụ này hiện tại như thế nào và tại sao lại bán dược phẩm Thái Nguyên. Sản phẩm tiêu biểu nhất của TRA là đông dược hay TPCN? Xin TRA cho biết điểm khác nhau giữa 2 loại sản phẩm này?
Ông Truyền: Hiện nay TPCN không thuộc quản lý của Cục quản lý dược mà thuộc quản lý của Cục quản lý an toàn thực phẩm. Ông Truyền cũng cho rằng thị trường TPCN hiện nay quá lộn xộn (cả về chất lượng, sản phẩm, và công ty kinh doanh). Tuy nhiên từ 6/2016 Bộ Y tế đã ban hành tiêu chuẩn GMP cho TPCN dựa trên GMP của Health Supplement (GMP của cộng đồng kinh tế ASEAN). Nếu VN không thực hiện tiêu chuẩn GMP này, VN sẽ không được phép bán TPCN cho các nước trong khu vực dù cho ASEAN Economic Community được hình thành từ 1/1/2016.
Về câu hỏi liên quan tới tiêu chuẩn gắn nhãn bio, Ông Truyền cho biết hiện nay có một bất cập của ngành dược, đó là thuốc y học cổ truyền và thuốc từ dược liệu đang bị phân chia cho 2 đơn vị quản lý cấp nhà nước: Cục quản lý dược và Cục Y dược học cổ truyền. Do việc quản lý các loại thuốc từ dược liệu thuộc quản lý của Cục Y dược học cổ truyển nên việc gắn nhãn bio thuộc trách nhiệm của Cục Y dược cổ truyền chứ không do Cục quản lý dược Việt Nam.
Bà Thuận: Bà Thuận cho biết các sản phẩm tiêu biểu nhất của TRA như hoạt huyết dưỡng não Cebraton, Boganic,… là thuốc. Theo quy chế ngành dược, thuốc cần ít nhất 6 tháng để kiểm định chất lượng cùng nhiều loại hồ sơ kiểm duyệt khác nhau. Trong khi đó đối với TPCN là công bố tiêu chuẩn và hậu kiểm, do đó tiêu chuẩn có phần rộng hơn, và do Cục an toàn thực phẩm cấp. Do đó hiện nay có đã nhiều doanh nghiệp cũng sản xuất thuốc từ dược liệu dưới dạng viên nén, viên nang đăng ký như hình thức đăng ký của TPCN để được áp dụng tiêu chuẩn rộng hơn. Tuy nhiên do các cơ quan quản lý còn khá mỏng, thực tế đã có nhiều doanh nghiệp TPCN kinh doanh chộp giật không bền vững, thậm chí không có cơ sở sản xuất hay kinh doanh gia công, do đó người tiêu dùng cần cẩn thận khi lựa chọn TPCN. Ngược lại, bà nhấn mạnh đường lối của TRA là phát triển bền vững.
Bà Thuận cho biết thêm theo xu hướng thế giới hiện nay, TPCN phát triển rất mạnh, đặc biệt ở các nước phát triển tăng gấp 15-20 lần so với nhu cầu dược phẩm. Do đó, hiện nay TRA cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu TPCN, và đã có một vài sản phẩm nổi bật như Trasleepy, Trasoyal,… và mục tiêu sẽ cơ cấu riêng 1 nhà máy cho TPCN trong năm 2017 (theo quy định của ngành nghề).
Về vấn đề thoái vốn ở dược phẩm Thái Nguyên, Bà Thuận cho biết TRA mua Thái Nguyên trước đó là mua thương quyền do dược Thái Nguyên là 1 doanh nghiệp phân phối. Khi TRA mua Thái Nguyên cũng như các doanh nghiệp phân phối khác, công ty đã mở rộng thêm hệ thống phân phối của mình. Thực tế trong 3 năm TRA đầu tư vào doanh nghiệp Thái Nguyên, Thái Nguyên đã có kết quả khởi sắc và bắt đầu có lãi. Bà Thuận nhấn mạnh rằng, trước khi mua dược Thái Nguyên, TRA đã có ý định mở chi nhánh tại đây, đã xây thô và nay quyết định tiếp tục hoàn thiện cơ sở để mở chi nhánh. Việc không qua đại lý sẽ giúp TRA giảm chi phí và chăm sóc khách hàng tốt hơn. Hơn nữa Bà Thuận cho biết quyết định thoái vốn là có lợi vì giá thoái vốn hiện nay cao hơn giá TRA đã mua và cũng đã có nhiều doanh nghiệp tỏ ý muốn mua. Đây là quyết định của TRA khi cân đối các khoản đầu tư. Bà khẳng định việc này sẽ giúp kết quả kinh doanh của TRA tốt hơn, và cuối năm nay TRA sẽ có 1 khoản thu bất thường do giá bán cao hơn giá TRA đã bỏ ra.
NĐT 2: Xin PGS. TS Lê Văn Truyền đánh giá về xu hướng thuốc hữu cơ (organic) hiện nay?
Ông Truyền: Để được công nhận là sản phẩm hữu cơ, quá trình trồng trọt phải được kiểm soát chặt chẽ theo chuẩn GAP (chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, có nghĩa là không phun thuốc trừ sâu và không dùng phân hóa học). Tuy nhiên cũng theo ông Truyền, thực hiện đúng chuẩn GAP không có nghĩa là tạo ra sản phẩm organic, do người trồng có thể dùng phân vô cơ theo tỉ lệ kiểm soát, hoặc kiểm soát thời gian thu hoạch sau bao lâu khi phun thuốc trừ sâu). Tuy nhiên khi thực hiện đúng GAP và kèm theo không dùng thuốc trừ sâu và phân hóa học, sản phẩm tạo ra sẽ “green”. Ngoài ra các khu vực trồng sản phẩm hữu cơ phải đảm báo khoảng cách với các khu vực trồng khác. Ông Truyền cho biết xu hướng hữu cơ hiện đang rất được quan tâm ở châu Âu cũng như các nước phát triển.
NĐT 3: Theo thông tư 34, hiện các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp FDI không được phép trực tiếp phân phối thuốc tại Việt Nam. Tuy nhiên có một trường hợp cá biệt hiện nay là DMC, mặc dù đã nới trần sở hữu nước ngoài lên 100%, vẫn phân phối thuốc do lập lờ giữa thuốc do DMC sản xuất và thuốc do các doanh nghiệp khác sản xuất? Xin PGS TS Truyền đánh giá về hiện tượng này?
Ông Truyền: Ông Truyền cho biết Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng chỉ đạo các doanh nghiệp nước ngoài có thể nhập khẩu nhưng phải phân phối qua 1 công ty VN (cả bán buôn và bán lẻ). Hiện nay nhà nước vẫn chưa thay đổi chính sách này, dù là khi đàm phán TPP.
Ông Truyền cũng nói thêm về 2 vấn đề chính khi đàm phán TPP: (1) các doanh nghiệp nước ngoài được giữ quyền sở hữu trí tuệ bao lâu; và (2) phân phối dược phẩm của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam như thế nào. Về vấn đề đầu tiên, Ông Truyền cho biết quyền bảo hộ bản quyền là 20 năm, và bảo hộ dữ liệu lâm sàng 5 năm. Về câu chuyên phân phối của doanh nghiệp nước ngoài, Ông Truyền cho biết thị trường nội địa vẫn sẽ được bảo hộ trong 10-20 năm nữa. Nguyên nhân là do (1) mặc dù hệ thống phân phối rộng nhưng công nghệ bán hàng vẫn chưa cao và (2) tình trạng có quá nhiều nhà phân phối nhỏ lẻ làm cho mạng lưới phân phối ở VN không hiệu quả. Do đó, mục tiêu của bảo hộ là để bảo vệ các nhà phân phối trong nước, cho các doanh nghiệp trong nước có thời gian để hoàn thiện công nghệ phân phối. Tuy nhiên Ông Truyền đánh giá, chính sách bảo hộ này kéo dài đã được 20 năm (từ 1995) nhưng vẫn chưa thu được hiệu quả. Ông cho rằng ân hạn chỉ nên kéo dài thêm 10 năm nữa. Nhà nước cần phải có 1 thời hạn để tới lúc đó thị trường phân phối áp dụng quy luật cạnh tranh, quy luật loại trừ. Ông cho rằng cho dù bảo hộ doanh nghiệp là giúp các doanh nghiệp không phá sản, tuy nhiên nếu hệ thống phân phối không tốt thì chính người dân phải gánh chịu những chi phí đó của hệ thống. Do đó nhà nước cũng cần phải cân đối lợi ích của cả doanh nghiệp và người bệnh.
NĐT 4: Theo như NĐT được biết, hiện tại trên sàn chỉ có 1 doanh nghiệp niêm yết đạt tiêu chuẩn GMP-PICS/EU. Xin Ông Truyền nói rõ hơn về xu hướng nâng cấp lên GMP-PICS/EU này của các doanh nghiệp lớn?
Ông Truyền: Bộ Y tế hiện nay không quy định các doanh nghiệp phải đạt PICS, tuy nhiên có định hướng chính sách để các doanh nghiệp đạt PICS. Ví dụ nếu doanh nghiệp muốn đấu thầu ETC thì xu hướng lâu dài tất yếu là đạt PICS. Nếu doanh nghiệp chỉ chú trọng thị trường OTC, thì không nhất thiết phải đạt PICS. Do đó, đây là trách nhiệm của các DN phải chọn đường đi cho mình. Tùy từng con đường, ví dụ tập trung ETC hay OTC, doanh nghiệp sẽ có phải tự điều chỉnh chiến lược phù hợp. Còn về phần Bộ Y tế, Bộ sẽ không bắt buộc DN nào đạt PICS.
Ông Truyền cũng lấy 1 ví dụ về doanh nghiệp TRA với chiến lược phát triển được Ông Truyền đánh giá cao. Thời gian đầu TRA chú trọng thị trường OTC (70%), do trên thị trường ETC doanh nghiệp khó cạnh tranh với các doanh nghiệp đạt PICS. Sau đó để quay lại thị trường ETC, TRA đã đầu tư nhà máy mới hướng tới đạt chuẩn PICS/EU.
NĐT 5: Với 1 doanh nghiệp có bằng sáng chế, sau khi hết bằng sáng chế, doanh nghiệp đó có còn lợi thế gì với các doanh nghiệp khác hay không? Xin TRA cho biết hiện nay doanh nghiệp nào có nhiều bằng sáng chế nhất và TRA đứng thứ mấy?
Bà Thuận: Bà Thuận cho rằng như Ông Truyền đã nói, Việt Nam không phải nước có khả năng phát minh do hạn chế về tiềm lực tài chính khi trung bình cần 1 tỷ USD cho 1 hoạt chất mới. Hiện này VN chỉ có thể mạnh ở lĩnh vực dược liệu. Sở hữu sáng chế hiện nay trên thế giới là 20 năm, tuy nhiên VN chủ yếu đăng ký sở hữu trí tuệ về tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp, hay giải pháp hữu ích, và bảo hộ này là 5 năm (nay là 10 năm). Vào năm 2011, TRA đã đạt giải WIPO về sở hữu trí tuệ. Đây là một giải thưởng của Liên hợp quốc, do Cục sáng chế của nhà nước trao và hiện vẫn chưa có thêm doanh nghiệp VN nào đạt được giải này. Trong ngành dược không có nhiều bằng sở hữu trí tuệ như đa số các ngành khác.
Về nghiên cứu khoa học, do hạn chế chưa nghiên cứu được thuốc mới, Việt Nam chủ yếu nghiên cứu bào chế và nghiên cứu từ cây cỏ VN. TRA đã đầu tư phát triển mảng nghiên cứu của công ty từ rất sớm, do đó hiện nay TRA đã có hơn 200 đăng ký sở hữu tên thương mại và sở hữu các sản phẩm của công ty. Có rất nhiều sản phẩm của TRA là kết quả từ triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, ví dụ như hoạt huyết dưỡng não Cebraton, Boganic (giải nhất VIFOTEC 2011),… nhờ đó TRA đã giành được niềm tin của người tiêu dùng nhờ giá trị sử dụng và ảnh hưởng của sản phẩm.
Nói thêm về chủ đề hữu cơ, Bà Thuận cho biết hiện nay VN đang áp dụng GACP cho vùng trồng dược liệu, tuy nhiên khoảng cách tới tiêu chuẩn hữu cơ còn khá xa. TRA hiện đang đi đầu, nhưng do hạn chế về canh tác nông nghiệp và hạn chế về chính sách nhà nước, TRA vẫn chưa thực hiện được vùng trồng organic. Tuy nhiên hiện TRA vẫn đang đi đầu khi có 5 vùng trồng (5 cây thuốc), trong khi đó DHG có 1 cây, DMC có 1 cây. Bà Thuận khẳng định, do TRA chủ yếu là đông dược, TRA chủ trương tập trung vào phát triển vùng nguyên liệu như Artiso ở Sapa, Rau đắng đất ở Phú Yên, Đinh lăng ở Nam Định và Tây Ninh, Bìm bịp ở Hòa Bình, cây chè dây ở 2 huyện. Ngoài vấn đề nguyên liệu sạch, vùng trồng của TRA còn góp phần vào thu hái để bảo tồn và tận dụng nguồn tài nguyên của đất nước.
NĐT 6: Xin TRA cho biết kế hoạch 2017 của TRA và dòng sản phẩm chủ lực của TRA trong 5 năm tới?
Bà Thuận: Vào ngày 2/11/2016 qua họp HĐQT, TRA đã xem xét kế hoạch phát triển doanh nghiệp 2017. Cụ thể, tăng trưởng không thấp hơn 12% và lợi nhuận không thấp hơn 15%. TRA cũng dự kiến trả cổ tức cho cổ đông 30%. Ngoài ra cuộc họp còn đề cập tới lộ trình tăng vốn từ nay tới 2020.
Về dòng sản phẩm chủ lực của TRA, Bà Thuận cho biết dự kiến nhà máy mới quý 3 đưa vào hoạt động sẽ tăng tỷ lệ tân dược của TRA. Mảng tân dược sẽ bắt đầu đóng góp vào doanh thu từ cuối năm 2017. TRA dự kiến cạnh tranh tân dược bằng công nghệ cao (để tăng khả năng đấu thầu), và tập trung vào các thuốc chuyển hóa để tránh đối đầu. Hiện TRA chưa có kế hoạch sản xuất vacxin. Về đông dược, TRA mục tiêu củng cố vị thế dẫn đầu của mình nhờ cơ sở vật chất, chuỗi cung ứng và đặc biệt là sự tín nhiệm của khách hàng đã dành cho TRA.