Thời gian công bố thông tin quá ngắn, lượng thông tin doanh nghiệp (DN) công bố chưa đủ để nhà đầu tư tìm hiểu về DN… là những trở ngại đến tỷ lệ đấu giá cổ phần thành công qua sàn chứng khoán.

Sáng 1/4 Sở GDCK Hà Nội đã tổ chức Hội nghị “Phổ biến một số quy định mới về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán”.

Đánh giá về việc thoái vốn, bán cổ phần doanh nghiệp (DN), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho rằng, đã thuận lợi hơn nhờ những quy định có tính tháo gỡ, tạo thuận lợi hơn cho DN tại Quyết định 51 và Thông tư 2660 hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính. Đơn cử, thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký bán cổ phần được rút ngắn… Nhiều phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng, bán cổ phần thoái vốn của DN đã được thực hiện thành công trên 2 Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và TP.Hồ Chí Minh (HOSE) với tỷ lệ đấu giá thành công cao.

Thông tin minh bạch về DN quá ít

Theo ông Vũ Bằng – Chủ tịch UBCKNN, năm 2014 việc thoái vốn, cổ phần hóa DNNN đã tăng trưởng tích cực so với các năm trước với tổng số vốn thoái thành công năm 2014 là trên 11.800 tỷ đồng. Riêng quý I/2015 đã đấu giá thoái vốn qua thị trường chứng khoán là 1.200 tỷ đồng. Xét về hiệu quả, DN CPH thông qua thoái vốn lợi nhuận mỗi năm tăng 10%, doanh thu tăng 12%…

“Năm 2015 Chính phủ chủ trương CPH xong 289 DN, số lượng vốn thoái sẽ tương đối lớn. Trong bối cảnh hiện tại, dòng tiền thị trường chứng khoán còn hạn chế, xu hướng tỷ giá gần đây cũng tác động tới nguồn vốn ngoại. Vì thế, để khơi thông dòng vốn thoái trên thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính đang gấp rút sửa Nghị định 58/2012 hướng dẫn Luật Chứng khoán để hút vốn nước ngoài tốt hơn, theo hướng tháo gỡ hơn nữa cho cổ phần hóa gắn với thoái vốn, niêm yết…”- ông Bằng chia sẻ.

Dẫn con số cụ thể hơn về tỷ lệ phát hành thành công trong đấu giá cổ phần hóa, thoái vốn của DN, ông Bùi Hoàng Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành (UBCKNN) cho hay, năm 2014 tỷ lệ thành công đã tăng vọt so với năm 2013, tương đương mức 60%.

Về đấu giá, trong năm 2014 số lượng DN đấu giá trên HNX gấp 5 lần năm trước, mặc dù trong quý I/2015 thời gian nghỉ Tết kéo dài nhưng tại HNX đã tổ chức gần 30 phiên đấu giá, tăng mạnh so với cùng kỳ 2014, giá trị hơn 2.000, tỷ lệ thành công hơn 70%.

Đơn cử 3 tháng đầu năm 2015, HNX đã tiến hành nhiều phiên đấu giá cổ phần với tỷ lệ thành công trên 70%, trong đó một số DN đã tìm được các nhà đầu tư chiến lược ngay sau khi thực hiện IPO. “Nếu các DN hoàn thiện đầy đủ hồ sơ và tiến hành sớm các bước đấu giá thì quá trình đấu giá cổ phần qua sở HNX sẽ hoàn tất trong thời gian tối đa khoảng 1,5 tháng”- bà Lan thông tin.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBCKNN thì tỷ lệ đấu giá thành công có vẻ đi xuống trong quý I/2015, do vướng cả yếu tố khách quan và thời gian.

“Thời gian công bố ngắn, chỉ 20 ngày trước thời điểm đấu giá khiến nhà đầu tư không đủ thời gian tiếp cận thông tin đầu đủ cũng như chuẩn bị đủ vốn để tham gia đấu giá. Do đó, cần kéo dài thêm thời gian công bố thông tin của DN”- ông Hải bình luận.

Ngoài ra, hồ sơ công bố thông tin của DN hiện rất sơ sài, chỉ gồm những thông tin cơ bản nhất chứ thiếu các thông tin quan trọng khác mà nhà đầu tư quan tâm. Đây là thiếu sót lớn của DN khiến nhà đầu tư muốn hiểu kỹ DN cũng không biết đường nào mà lần.

Trước những điểm hạn chế khiến việc đấu giá cổ phần hóa, thoái vốn DN chưa thành công như mong đợi, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành UBCKNN khuyến nghị, DN nên công bố thông tin nhiều hơn. Đặc biệt, khi số lượng các DN sắp sửa thoái vốn trong năm 2015 rất nhiều, mức độ phực tạp cao, trong khi nguồn vốn trên thị trường không dồi dào, nên sẽ phải cạnh tranh rất gay gắt.

“Nhà đầu tư có nhiều sự lựa chọn, nếu DN công bố thông tin chậm, khối lượng công bố thông tin không nhiều, nhà đầu tư ít thông tin tìm hiểu về DN thì tỷ lệ thành công trong thoái vốn sẽ thấp” – ông Hải nói.

Muốn tăng biên độ giá trên sàn Upcom lên 20%

Đối với thị trường đăng ký giao dịch, ngoài thị trường niêm yết chính thức thì giao dịch qua thị trường Upcom cũng là một kênh khá hiệu quả. DN khi tham gia thị trường Upcom thủ tục khá đơn giản, chỉ cần đáp ứng 2 điều kiện: đã là công ty đại chúng và đã đăng ký lưu ký cổ phiếu…

Cụ thể, theo quy định mới, điều kiện và hồ sơ đăng ký niêm yết trên thị trường Upcom đã đơn giản hơn, như DN chỉ cần đáp ứng là công ty đại chúng, có vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng, có trên 100 cổ đông và không quy định cam kết thời gian nắm giữ cổ phiếu. Do đó, bà Lan khuyến nghị, DN nộp hồ sơ niêm yết trên Upcom ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký công ty cổ phần.

Thanh khoản trên thị trường Upcom, theo số liệu của HNX, đã tăng gấp 10 lần so với năm ngoái với khoảng 180 DN đăng ký.

Để tăng tính hấp dẫn cho thị trường Upcom, Phó Giám đốc HNX cho hay, hiện sở đang kiến nghị UBCK và Bộ Tài chính một loại giải pháp thúc đẩy thị trường Upcom trong thời gian tới. Đơn cử, mở rộng biên độ giá lên 20% trong quý II/2015, hạ phí, xây dựng các chỉ số ngành như chỉ số cảng, phân khu vực thị trường để các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận thông tin, giảm tải thời gian về mặt thủ tục để hỗ trợ DN niêm yết lên sàn Upcom.

 

Trường Giang

 


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.


Đấu giá, thoái vốn qua sàn chứng khoán: DN “e dè” công bố thông tin
Call Now Button