Thị trường niêm yết ảm đạm là một nguyên nhân quan trọng khiến hoạt động đấu giá cổ phần tại HaSTC và HoSE rơi vào tình trạng đình trệ. Trong khi khối lượng cổ phần tại các đợt đấu giá không lớn, giá khởi điểm không cao nhưng lượng cổ phần và giá đấu thành công vẫn ở mức thấp, có trường hợp DN chỉ bán được 0,2% lượng cổ phần mang ra đấu giá.
Buồn tẻ “chợ” đấu giá cổ phần
Tính từ đầu tháng 5 tới nay, hoạt động đấu giá cổ phần diễn ra hết sức buồn tẻ. Trong vòng 5 tháng qua, HaSTC mới tổ chức 7 đợt đấu giá, trong đó có 2 đợt đấu giá lần 2 cho các Cty: Nhà máy cơ khí 120 (lần 2), Cty kinh doanh mỹ nghệ, vàng bạc, đá quý – NH NNPTNT VN và đợt bán bớt phần vốn nhà nước của CTCP Giống chăn nuôi – thuỷ sản Hà Nam.
Trong thời gian này, HoSE cũng chỉ tổ chức 5 đợt đấu giá cho tổng số 4 đơn vị, trong đó Cty Đầu tư xây dựng 3.2 phải tiến hành đấu giá 2 lần. Ngoài đợt đấu giá cổ phần của CTCP Pymepharco với giá đấu thành công bình quân là 45.112đ/cổ phần (giá khởi điểm là 45.000đ/cổ phần) thì giá khởi điểm và giá đấu thành công bình quân cổ phần trong hầu hết cuộc đấu giá thời gian này đều khá thấp, sát với mệnh giá.
Giá đấu thành công bình quân cổ phần của TCty Đường sông Miền Nam (Sowatco) là 10.201đ/cổ phần. Giá đấu thành công bình quân lần 2 của Cty Đầu tư xây dựng 3.2 bằng với mệnh giá là 10.000đ/cổ phần. Giá đấu thành công bình quân cổ phần của XN Thức ăn chăn nuôi và XN Chế biến thực phẩm Duyên Hải cũng chỉ dừng ở mức 10.120đ/cổ phần…
Một điểm nữa là mặc dù khối lượng cổ phần mang ra đấu giá trong thời gian này không lớn, nhưng khối lượng trúng giá vẫn tiếp tục ở mức thấp. Sowatco trong đợt đấu giá cổ phần lần đầu ngày 30.9 mới đây cũng chỉ bán được 1.982.600 cổ phần, tương đương 16,1% của khối lượng 12.241.100 cổ phần mang đấu giá.
Hay như XN Thức ăn chăn nuôi và XN Chế biến thực phẩm Duyên Hải mặc dù cũng chỉ mang đấu giá khối lượng 3.158.414 cổ phần, nhưng chỉ bán được 716.900 cổ phần (22,6%).
“Thảm” hơn là trường hợp IPO của Cty Đầu tư xây dựng 3.2, khi tổ chức đấu giá tới lần thứ hai vẫn rơi vào tình cảnh “ế ẩm”. Tổng lượng CP đấu giá ra công chúng của Cty này là 5.634.500 cổ phần. Tuy nhiên, đợt 1 – ngày 14.7, Cty chỉ bán được 79.100 cổ phần với giá đấu thành công bằng đúng giá khởi điểm 10.200đ/cổ phần với 6 NĐT trúng giá với tổng giá trị hơn 806,82 triệu đồng.
Trong lần đấu giá tiếp lần 2 của Cty vào ngày 30.9, chỉ có 2 NĐT cá nhân trong nước tham gia và trúng giá khối lượng 13.000 cổ phần (chiếm 0,23% lượng chào bán) với giá bằng giá khởi điểm (và bằng với mệnh giá) là 10.000đ/cổ phần!
Bao giờ đấu giá sôi động trở lại?
Có thể thấy một điều rất rõ là hoạt động đấu giá thời gian qua đã chịu tác động tiêu cực từ thị trường niêm yết. Bởi khoảng thời gian 5 tháng qua cũng là thời điểm TTCK rơi vào thời kỳ ảm đạm nhất kể từ đầu năm, khi chỉ số VN-Index có lúc rơi xuống mức 364,32 điểm trong phiên ngày 20.6. Đây cũng là thời điểm tâm lý NĐT rơi vào trạng thái bi quan nhất, khi tình hình kinh tế vĩ mô chưa có dấu hiệu lạc quan. Điều này không chỉ khiến thị trường niêm yết, thị trường OTC mà cả các cuộc đấu giá cổ phần của các DN gần như bị đình trệ.
Bên cạnh đó, nhận định tình hình thị trường chưa hoàn toàn sáng sủa nên nhiều đợt đấu giá (trong đó có cả những đợt IPO của nhiều DN lớn) đã bị lùi lại. Thống kê cho thấy, những đợt đấu giá trong thời gian qua – trừ lượng cổ phần được cho là lớn nhất của TCty Đường sông Miền Nam (12.241.100 cổ phần), khối lượng cổ phần đấu giá của các đơn vị còn lại ở mức 700.000-800.000 cổ phần/đợt. Trong đó, không có đợt đấu giá của một DN lớn nào. Điều này khiến cho chất lượng nguồn cung hàng ra thị trường đã không hút được giới đầu tư.
Một điểm nữa là nguồn cung hàng vào thị trường qua con đường phát hành thêm, phát hành riêng lẻ, chào bán cho cổ đông hiện hữu hay trả cổ tức dưới hình thức CP đã khiến cho lượng hàng liên tục được bơm vào thị trường.
Cùng với đó là hoạt động niêm yết đã diễn ra khá nhộn nhịp và khẩn trương, khi VN-Index ở ngưỡng 550 điểm thời điểm đầu tháng 9 tác động tới khả năng tiêu thụ của thị trường khi chưa hoàn toàn hồi phục.
Nhận định của các chuyên gia đều đồng quan điểm khi cho rằng, tới cuối năm VN-Index có thể “dập dềnh” quanh ngưỡng 500-600 điểm. Khi phải chịu tác động rất lớn từ thị trường niêm yết thì có thể hoạt động đấu giá từ nay tới cuối năm sẽ khó sôi động.
Phát biểu trong một hội thảo mới đây, ông Nguyễn Sơn – Trưởng ban Phát triển thị trường (UBCKNN) – cho biết, do tác động của tình hình thị trường hiện nay, hoạt động IPO các DN đã bị chậm lại. Theo đánh giá của ông Sơn, lộ trình CPH các DN nhà nước đến 2010 khó có thể thành công. Đối với vướng mắc do cơ chế xác định giá DN hiện nay, ông Sơn đề nghị nên căn cứ trên giá trị sổ sách DN để chào bán cho đối tác nước ngoài trước, sau đó căn cứ trên mức giá này để xác định giá khởi điểm khi đấu giá rộng rãi ra công chúng.