Cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) đóng cửa ngày 22/11/2017 đạt 38.300 VND/cp, xác nhận xu hướng phục hồi từ mức giá 34.500-35.000 VND/cp. Nhằm hỗ trợ khách hàng đưa ra quyết định đầu tư hợp lý, Phòng NCPT xin cập nhật tình hình hoạt động kinh doanh của HPG như sau:

• Sản lượng tiêu thụ đang tăng nhanh trở lại sau khi sụt giảm trong tháng 10. Sản lượng tiêu thụ tháng 10 đạt 120 nghìn tấn, kết quả thấp nhất theo tháng tính từ đầu năm do thời tiết mưa kéo dài ảnh hưởng tới hoạt động xây dựng, đây được coi là một phần nguyên nhân khiến giá cổ phiếu HPG giảm trong khoảng 1 tháng trở lại đây. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ đã phục hồi mạnh từ tháng 11 với sản lượng tiêu thụ trong vòng 3 tuần đầu tháng đạt tới 170 nghìn tấn. Ước tính sản lượng tiêu thụ quý 4 đạt 500 nghìn tấn. Biên lợi nhuận quý 4 dự báo tăng 3-4 điểm % so với quý trước nhờ diễn biến giá thép và giá quặng vô cùng thuận lợi. Phòng NCPT ước tính LNST quý 4 đạt 2.200 tỷ đồng, tương ứng LNST 2017 đạt 7.810 tỷ đồng, EPS 2017 đạt 5.150 VNĐ/cp.

• Trong ngắn hạn, dự án Mandarin 2 có tổng lợi nhuận hơn 500 tỷ đồng dự kiến sẽ ghi nhận một phần vào quý 4 năm 2017 và phần lớn vào quý 1 năm 2018. Tính tới cuối năm 2016, dự án đã bán được 60%, và hiện tại đã cất nóc xong vào giữa tháng 5 năm 2017. Tiến độ bàn giao đúng theo kế hoạch từ cuối năm 2017. Ước tính dự án Mandarin 2 sẽ ghi nhận khoảng 100 tỷ lợi nhuận ngay trong năm 2017.

• Trong trung hạn, nhà máy tôn mạ màu mới dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2018 sẽ đóng góp vào tăng trưởng doanh thu cho HPG. Tôn mạ được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường miền Nam sẽ khiến HPG gặp khó khăn về vận chuyển (điều này ảnh hưởng tới ưu thế về giá thành của HPG) và thói quen tiêu dùng của các đại lý miền nam (thương hiệu và mạng lưới phân phối). Tuy nhiên với lợi thế sản xuất từ nguồn, khu liên hợp Dung Quất ở miền Trung, khu liên hợp Hải Dương tuy đặt tại miền Bắc nhưng HPG sở hữu cảng sông tại Hải Dương và có thể vận chuyển bằng đường thủy vào miền Trung và Nam khi cần thiết với chi phí rẻ hơn so với đường bộ từ 500.000-800.000 VND/tấn. Ngoài ra trong giai đoạn đầu hoạt động, với ưu thế về chuỗi giá trị khép kín, HPG có thể giữ mức biên lợi nhuận của mảng tôn mạ ở mức thấp vì mục tiêu thâm nhập thị trường, do đó giá các sản phẩm tôn mạ màu của HPG dự báo sẽ khá cạnh tranh so với sản phẩm của những doanh nghiệp có vị trí tại miền Nam như HSG, NKG,…

• Trong dài hạn, vị trí số 1 ngành thép của HPG ngày càng được củng cố khi trở thành DN sản xuất thép tích hợp đầu tiên của Việt Nam đối với cả thép xây dựng và ống thép, tôn mạ. Khu liên hợp Dung Quất hoàn thành vào năm 2019-2020 sẽ nhân đôi công suất thiết kế sản phẩm thép xây dựng. Việt Nam vẫn đang trong thời kì xây dựng cơ sở hạ tầng với CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép) tiêu thụ thép 5 năm đang ở mức rất hấp dẫn là 20%. Bất chấp thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại và sản xuất thép toàn thị trường không hoạt động ở tối đa công suất, động lực tăng trưởng của HPG đến từ việc giành lấy thị phần của các DN thép khác chủ yếu sử dụng lò EAF và không thể cạnh tranh về giá với HPG. Khu liên hợp Dung Quất khi đi vào hoạt động chính thức sẽ củng cố thêm vị trí số 1 của HPG trong mảng thép xây dựng với thị phần có thể tăng lên hơn 30%. Ngoài ra, với năng lực sản xuất 3,5 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC (Việt Nam đang nhập khẩu 100% HRC từ nước ngoài), HPG có thể sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất ống thép và tôn mạ màu, đồng thời bán cho các nhà sản xuất khác trong nước 2-2,5 triệu tấn/năm.

• Trung Quốc tiếp tục thắt chặt sản lượng sản xuất thép nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Giá thép thế giới dự báo ít khả năng gặp biến động lớn và giảm sâu như năm 2015.

Sau khi đánh giá những thông tin cập nhật từ HPG, Công ty Chứng khoán Công thương khuyến nghị tiếp tục nắm giữ cổ phiếu HPG với giá mục tiêu trong 6 tháng tới là 42.000-43.000 VND/cp.
 


Tệp đính kèm:

Cập nhật cổ phiếu HPG_CTS Spotlight đã khuyến nghị ngày 22/9/2017
Call Now Button