Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank Securities), Sở giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE), Công ty Cổ phần Thế Giới Số (DGW) phối hợp tổ chức hội thảo “Hướng đi mới trong ngành phân phối công nghệ – Gặp gỡ Công ty cổ phần Thế Giới Số (DGW)”.
 
Thời gian: 15h30, thứ ba, ngày 29/11/2016.
Địa điểm: Trụ sở HOSE, 16 Võ Văn Kiệt, Q.1, TP.HCM.
Hiện đã có hơn 200 NĐT và hơn 20 phóng viên báo chí tham dự hội thảo.

Hội thảo “Hướng đi mới trong ngành phân phối công nghệ – Gặp gỡ Công ty cổ phần Thế Giới Số (DGW)”  có sự hiện diện của:

Về phía cơ quan quản lý, Bà Trần Anh Đào – Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE);

Về phía doanh nghiệp, Ông Đoàn Hồng Việt – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Kiêm Tổng Giám đốc CTCP Thế Giới Số (DGW);

Về phía Công ty Chứng khoán Công Thương, có Ông Khổng Phan Đức – Tổng Giám Đốc CTCP Chứng Khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank Securities).

Đặc biệt, trong hội thảo ngày hôm nay còn có sự hiện diện của Ông Huỳnh Phước Cường – Chuyên gia nghiên cứu thị trường công nghệ;  Ông Trần Vũ – Tổng giám đốc Dell Việt Nam, Ông Bùi Văn Hòa Trưởng đại diện  Freetel tại Việt Nam;

Phát biểu tại hội thảo, Bà Trần Anh Đào – Phó TGĐ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh cho biết: Hội thảo hôm nay sẽ là diễn đàn để các nhà đầu tư giao lưu với các chuyên gia ngành, VietinBank Securities, Lãnh đạo doanh nghiệp – CTCP Thế Giới Số DGW, và đặc biệt là các hãng sản xuất công nghệ đến từ Freetel và Dell Việt Nam. Hội thảo là hoạt động thường xuyên của Sở phối hợp với  Công ty chứng khoán Công Thương tổ chức nhằm cung cấp cho các nhà đầu tư kiến thức, kinh nghiệm cũng như thông tin về thị trường, hỗ trợ nhà đầu tư ra quyết định đầu tư trong từng ngành.

Bà Đào cho biết thêm, ngành phân phối công nghệ là một ngành khá là mới, số lượng các công ty niêm yết chưa phải là nhiều nhưng đây là ngành đang được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư. Ngành phân phối công nghệ này thuộc nhóm ngành Công nghệ thông tin. Theo số liệu thống kê, chỉ số giá trong quý 3 của nhóm ngành công nghệ thông tin đã tăng 18% và tăng 19,84% so với năm trước.

Thông qua hội thảo, bà mong muốn các nhà đầu tư có nhiều thông tin hơn từ các chuyên gia nghiên cứu ngành, các hãng sản xuất, từ doanh nghiệp để tìm ra hướng phát triển của ngành cũng như triển vọng của doanh nghiệp.
  

( Bà Trần Anh Đào – Phó TGĐ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh)

PHẦN 1: NGÀNH PHÂN PHỐI CÔNG NGHỆ – CHUỖI GIÁ TRỊ VÀ CƠ HỘI ĐẦU TƯ CỔ PHIẾU

Mở đầu buổi hội thảo là phần trình bày của Ông Đặng Trần Hải Đăng – Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Vietinbanksc. Trong phần này, ông Đăng tập trung giới thiệu cho NĐT về tổng quan chuỗi giá trị ngành phân phối công nghệ và một số các doanh nghiệp trong ngành đang niêm yết trên sàn chứng khoán.

 
(Ông Đặng Trần Hải Đăng – Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu VietinBank Securities)
 

Ngành Phân phối công nghệ – Chuỗi giá trị truyền thống

Trước khi đi vào chuỗi giá trị ngành, Ông Đăng cung cấp cho các nhà đầu tư những con số tổng quan về thị trường sản phẩm công nghệ tại Việt Nam. Theo ông Đăng, nhìn chung, thị trường bán lẻ điện máy Việt Nam vẫn đang trên đà tăng trưởng mạnh. Năm 2015, nhu cầu tiêu thụ điện máy toàn thị trường đạt 154,7 nghìn tỷ đồng, tăng 22,6% so với năm 2014. Trong đó, nhóm điện thoại di động chiếm 42,4%, nhóm điện tử điện lạnh (ti vi, tủ lạnh, lò vi sóng…) chiếm 42,7%, nhóm máy tính, laptop, máy in chiếm 12,9%, và 2% cơ cấu còn lại thuộc về nhóm máy chụp hình các loại.

 
 
(Nhà đầu tư chăm chú lắng nghe phần trình bày)
 
Chuỗi giá trị truyền thống bao gồm 4 mắt xích chính là nhà sản xuất, nhà bán buôn, nhà bán lẻ và khách hàng
Theo ông Đăng, chuỗi giá trị truyền thống ngành phân phối công nghệ bao gồm 4 đơn vị chính: (1) nhà sản xuất, (2) nhà bán buôn, (3) nhà bán lẻ và (4) khách hàng. Hàng hóa sẽ được lưu chuyển từ nhà sản xuất tới nhà bán khách hàng thông qua 2 đơn vị trung gian là nhà bán buôn và bán lẻ. Trong chuỗi giá trị này, nhà bán buôn và nhà bán lẻ đều có những vai trò, nhiệm vụ tách biệt riêng. 
 

Nhà bán buôn
–      
Vai trò: Trung gian kết nối giữa nhà sản xuất và nhà bán lẻ. Các đơn vị này thường nhập hàng với số lượng lớn, sau đó sẽ phân phối cho các nhà bán lẻ. Ông Đăng nhận định, sự hiện diện của nhà bán buôn là rất cần thiết, đặc biệt là đối với ngành công nghệ khi sản phẩm đầu ra không chỉ phục vụ khách hàng cá nhân mà còn phục vụ khách hàng tổ chức (ví dụ, mặt hàng máy tính, thiết bị văn phòng).
–      
Phương thức hoạt động: bao gồm các hoạt động chính (1) nghiên cứu thị trường, (2) xây dựng  và thực hiện chiến lược marketing sản phẩm, (3) dịch vụ hậu mãi (4) phân phối  bán hàng và (5) logistic (nhập khẩu, kho vận). Ông Đăng nhấn mạnh thêm, hiện nay, các doanh nghiệp phân phối truyền thống hoạt động trên thị trường mới đang chỉ cung cấp được một hoặc một số dịch vụ trên (chủ yếu là dịch vụ số 4 và 5). Các dịch vụ khác mới có một số ít thực hiện được. Theo nghiên cứu của ông Đăng, hiện nay doanh nghiệp mà thực hiện được cả 5 dịch vụ trên mới chỉ có Công ty CP Thế Giới Số DGW. Ông cho rằng, việc có đầy đủ 5 dịch vụ trên sẽ tạo ra giá trị gia tăng của doanh nghiệp phân phối.
–      
Yêu cầu: (1) Khả năng quản lý vòng quay phải thu của Khách hàng. Ông Đăng phân tích, đối với nhà bán buôn khi phân phối đến các chuỗi bán lẻ, họ sẽ có những chính sách ưu đãi về trả chậm, trong khi nhà bán lẻ thường bán trả tiền ngay đến người tiêu dùng. Nên có sự chênh lệch về chỉ tiêu vòng quay hàng phải thu giữa doanh nghiệp bán buôn và bán lẻ (đơn cử, con số này rơi vào  khoảng 6 lần với nhà bán buôn trong k hi giao động từ 350-400 lần cho nhà bán lẻ như MWG). (2) Khả năng quản lý hàng tồn kho. Đây là mặt hàng công nghệ nên thay đổi xu hướng tiêu dùng và cập nhật về công nghệ rất nhanh từ nhà sản xuất, nên các doanh nghiệp bán buôn với lượng tồn kho lớn cần quản lý chất lượng một cách chặt chẽ. 
Ông Đăng cũng rút ra kết luận rằng, khả năng phát triển của nhà bán buôn dựa vào việc ký kết được hợp đồng với nhà sản xuất (quan hệ với nhà sản xuất) cũ cũng như mới để đa dạng hóa sản phẩm và khả năng đảm bảo được đầu ra.
–      
Rủi ro chính: Theo ông Đăng chỉ ra, các nhà bán buôn có thể chịu nhiều rủi ro như 
(1)

rủi ro tài chính liên quan đến (a) quản lý hàng tồn kho như nhập quá nhiều, bảo quản không hợp lý khiến hàng hóa bị hỏng hóc, giảm giá trị. Khi giá bán thành phẩm giảm, việc sở hữu nhiều hàng tồn kho đã nhập với giá cao cũng khiến cho nhà bán buôn phát sinh thêm các chi phí trích lập dự phòng (b) các rủi ro liên quan đến phải thu từ các chuỗi bán lẻ (c) khi nhập khẩu hàng hóa, họ cũng phải chịu rủi ro về tỷ giá. 
(2)

rủi ro kinh doanh khi hoạt động phân phối phụ thuộc vào một nhà sản xuất hoặc nhà bán lẻ lớn. Ông Đăng đã chỉ ra một ví dụ của doanh nghiệp Thế Giới Số DGW khi phải chịu thiệt hại từ mảng kinh doanh phân phối điện thoại Nokia khi hãng sản xuất này tuyên bố dừng sản xuất.

Nhà bán lẻ

–     Vai trò: Phân phối hàng hóa tới người tiêu dùng, giúp sản phẩm được phân phối rộng rãi

–        
Phương thức hoạt động: Chủ yếu bán hàng qua (1) hệ thống chuỗi cửa hàng, (2) hệ thống nhân viên bán hàng, tiếp thị và có thể qua hình thức (3) thương mại điện tử.

–     Yêu cầu: Đối với một nhà bán lẻ, ông Đăng cho rằng yêu cầu quan trọng nhất là (1) chi phí cố định lớn để phát triển chuỗi mặt bằng (thuê mặt bằng, trang trí cửa hàng). Khi so sánh giữa các doanh nghiệp bán buôn và bán lẻ, tỉ lệ tài sản cố định hữu hình/ tổng tài sản ở nhà bán buôn thấp (5%) trong khi con số này ở nhà bán lẻ là 15%. (2) các nhà bán lẻ trong lĩnh vực công nghệ cũng cần phải có kỹ năng quản lý hàng tồn kho tốt. (3) Dịch vụ bán hàng và chăm sóc khách hàng cao. 

Ông Đăng nhấn mạnh khả năng phát triển của nhà bán lẻ là dựa vào quy mô tăng trưởng cửa hàng rộng rãi để đảm  bảo tiếp cận người tiêu dùng.

–     Rủi ro chính: (1) Rủi ro tài chính khi chi phí mặt bằng phát triển chuỗi bán lẻ cao; (2)  Rủi ro kinh doanh khi mức độ cạnh tranh trong ngành lớn do đặc điểm hoạt động (10.000 điểm bán lẻ công nghệ tại thị trường Việt Nam), khi dịch vụ cũng cấp giữa các đơn vị bán lẻ trong ngành không có quá nhiều khác biệt. Bên cạnh đó, nếu phụ thuộc quá nhiều vào 1 hay 1 số  nhà phân phối thì hoạt động kinh doanh của chuỗi bán lẻ cũng sẽ có ảnh hưởng.

Mắt xích phân phối truyền thống đang bị thay thế dần khi nhà bán lẻ đang tham gia trực tiếp phân phối từ Nhà sản xuất. 

Theo như ông Đăng chỉ ra, hiện nay, bên cạnh chuỗi giá trị truyền thống, ngành phân phối công nghệ đang hình thành một chuỗi giá trị mới. Các nhà bán lẻ lớn như MWG, FPT shop đã nhập hàng trực tiếp từ nhà sản xuất thay vì nhập từ nhà bán buôn.

Tuy nhiên, ông Đăng cho rằng, việc nhà bán lẻ tham gia phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất sẽ gặp nhiều rủi ro như (1) do thời gian nhập từ nhà sản xuất lâu hơn từ nhà phân phối, độ trễ này sẽ khiến nhà bán lẻ chịu các rủi ro về biến động giá, về thay đổi công nghệ, về thay đổi xu hướng tiêu dùng (2) Vòng quay hàng tồn kho sẽ có xu hướng chậm lại (3) rủi ro xử lý hàng tồn kho khi không thể phân phối cho các chuỗi bán lẻ khác trong khi nhà bán buôn có thể làm được điều này. Ngoài ra, ông Đăng nhấn mạnh thêm các hạn chế khác khi nhà bán lẻ (1) ít có khả năng thực hiện các nghiệp vụ logistic, (2) ít có khả năng phân phối được các mặt hàng mới trên thị trường do năng lực marketing các nhãn hàng mới thấp.

Ngược lại, khi nhà bán buôn tham gia bán lẻ họ cũng sẽ phải chịu nhiều rủi ro của nhà bán lẻ như: chịu tính cạnh tranh cao, phát triển chuỗi bán lẻ để mở rộng thị phần hay phải chuyển đổi từ mô hình quản lý tập trung sang mô hình quản lý phân tán, đáp ứng yêu cầu quản lý đông số lượng nhân viên và chuỗi cửa hàng.

Ông Đăng kết luận rằng, mỗi một mắt xích (nhà bán buôn hay nhà bán lẻ) có vai trò riêng của mình. Họ có những chức năng chuyên môn hóa khác nhau, dựa vào các yếu tố về năng lực tài chính, về đội ngũ nhân viên. Ông Đăng khẳng định, vai trò của mỗi mắt xích này là không thể thay thế cho nhau. Đấy là lý do tại sao, trên thị trường hiện nay vẫn tồn tại cả nhà bán buôn lẫn nhà bán lẻ.

Định giá doanh nghiệp phân phối công nghệ hiện vẫn đang hấp dẫn

Trong phần cuối bài trình bày của mình, ông Đăng đã giành ra ít phút giới thiệu qua cho NĐT về một số các doanh nghiệp trong ngành phân phối công nghệ, đặc biệt là những doanh nghiệp đang niêm yết như DGW, PSD và MWG. Các chỉ số tài chính, đặc biệt là chỉ số hoạt động phản ánh khá đúng những luận điểm mà ông đã nêu ở trên.

Về các chỉ số thị trường, ông cũng chỉ ra rằng, chỉ số P/E P/B của các doanh nghiệp bán buôn đang khá hấp dẫn, cũng là một trong những cơ hội đầu tư mà các nhà đầu tư có thể cân nhắc.

 

PHẦN 2: GẶP GỠ CÔNG TY CỔ PHẦN THẾ GIỚI SỐ 

Trong buổi hội thảo này, cũng có sự góp mặt của đại diện DN phân phối công nghệ – CTCP Thế Giới Số, mã niêm yết DGW (HOSE), hiện đang được đánh giá là một trong những cổ phiếu phân phối công nghệ hết sức tiềm năng. Đây là cơ hội gặp gỡ, giao lưu trực tiếp giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư, giúp NĐT quan tâm đến DGW nói riêng và doanh nghiệp phân phối công nghệ nói chung có được cái nhìn sâu hơn về tình hình HĐKD của DN. 

DGW- Hành trình 19 năm giữ trọn niềm tin

Mở đầu phần trình bày, ông Nguyễn Hải Khôi – Trưởng bộ phận quan hệ nhà đầu tư Công ty Cổ phần Thế Giới Số đã giới thiệu hành trình 19 năm của DGW, đặc biệt là những mốc quan trọng thể hiện sự thăng trầm của doanh nghiệp, qua đó nhấn mạnh khả năng vượt qua khó khăn và nắm bắt cơ hội của doanh nghiệp.

 
 
(Ông Nguyễn Hải Khôi – Trưởng bộ phận quan hệ nhà đầu tư Công ty CP Thế Giới Số)
 

Năm 1997 – Thành lập công ty và thành công đầu tiên với kinh doanh máy in

Bắt nguồn từ năm 1997, ông Đoàn Hồng Việt – Chủ tịch của DGW, sau vài năm làm việc cho 1 công ty thương mại của nước ngoài, với tâm niệm từ một câu nói rất quen thuộc “phi thương bất phú” đã thành lập công ty của riêng mình. Công ty tiền thân của DGW ra đời chỉ với 7 thành viên, vừa làm chủ vừa làm nhân viên, vừa làm giám đốc kiêm kinh doanh, kế toán, kĩ thuật và kiêm luôn giao hàng. Số vốn 15 nghìn Đô la Mỹ ban đầu doanh nghiệp có được cũng là số tiền cầm cố được từ cuốn sổ đỏ duy nhất của bố mẹ ông Việt.

Ông Khôi nhấn mạnh, thời điểm đó là khủng hoảng tài chính Châu Á, tiền Bath Thái mất giá mạnh, rất nhiều hàng hóa ở đây đã trở nên rất rẻ, trong đó có mặt hàng máy in . Ông Việt đã nhận thấy tiềm năng và chớp lấy thời cơ, dồn tiền nhập dòng sản phẩm máy in về bán. Việc kinh doanh máy in đã đạt được những thành công đầu tiên, là nền móng để tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo.

Năm 1998 – Thành công đi liền với khó khăn

Ông Khôi cho biết, tới năm 1998, máy tính lắp ráp bắt đầu khởi sắc. Với tiền đề kinh doanh sản phẩm công nghệ,  không bỏ qua cơ hội này, DGW đã đặt mua hàng trăm hàng ngàn mainboard, card màn hình về bán. Việc đi đầu trong lĩnh vực kinh doanh này đã đưa tên tuổi Công ty thành danh trên thị trường nổi tiếng phân phối mainboard Tomato và card màn hình “Tripple D” những năm 98-99.

Tuy nhiên, đến năm 1999, sự cố đã đến với Công ty, mainboard nhập về từ 1 nhà sản xuất của Trung Quốc đã bị lỗi hàng loạt. Không do dự DGW đã nhanh chóng cho thu hồi toàn bộ các sản phẩm đã bán bao gồm cả những sản phẩm không có lỗi để đảm bảo không ảnh hưởng tới lợi ích khách hàng. Việc trả lại hàng và thu hồi tiền từ nhà sản xuất thì rất gian nan vì họ là một hãng nhỏ và ở tận Trung Quốc. Thiệt hại là rất lớn, vốn liếng công ty lúc đó gần như trở về con số 0 nhưng bài học rút ra lại rất xứng đáng: “(1) phải kết hợp được với những ông lớn là những tập đoàn CNTT uy tín trên thế giới, (2) dựa trên chất lượng và lấy khách hàng làm gốc”. Ông Việt và doanh nghiệp của mình đã dần định hướng được hướng đi cho riêng mình.

Năm 2001 – Thành công phân phối máy tính Acer đưa đến những cơ hội hợp tác với nhiều tập đoàn CNTT nổi tiếng

Năm 2001, khi máy tính lắp ráp đang chiếm tới 99% thị trường công nghệ thông tin, TGĐ của công ty máy tính lớn nhất Taiwan và cũng nằm trong top những tập đoàn CNTT lớn nhất khu vực (Acer) tới chào DGW phân phối sản phẩm MTXT giá khoảng $2000. Ông Khôi nhấn mạnh, lời chào mời này thoạt nghe thật bất khả thi vì 2 nghìn đô la Mỹ gần như bằng toàn bộ những thiết bị có giá trị trong một gia đình thành thị lúc đó gồm TV, máy giặt, tủ lạnh… và 2 nghìn đô la có thể mua được 5-6 chiếc máy tính để bàn. Nhưng DGW, DGW lại nhìn ra cơ hội từ sự bất khả thi này.

DGW đã làm việc với Acer, xây dựng những chương trình để có thể bán được nhiều sản phẩm với mức giá tiết kiệm nhất vì mong mỏi của ông là người tiêu dùng Việt Nam được sử dụng những sản phẩm chất lượng, công nghệ mới với giá có thể chi trả được. Từ những nỗ lực này, những chương trình máy tính xách tay giá 999$ lần đầu tiên có tại Việt Nam và thương hiệu Acer cũng được đẩy lên thành thương hiệu máy tính xách tay được ưa chuộng nhất tại VN trong nhiều năm liền. DGW cũng đánh dấu trong thị trường CNTT là NPP đầu tiên đưa sản phẩm MTXT tới người tiêu dùng phổ thông.

Ông Khôi khẳng định rằng thành Công với Acer đã nâng cao tên tuổi và uy tín của DGW trong ngành phân phối, và mở ra cơ hội hợp tác với rất nhiều tập đoàn CNTT tên tuổi khác như Lexmark (Mỹ, máy in lazer, BenQ (Đài loan, màn hình máy tính, máy chiếu, các thiết bị di động), Infocus (Mỹ, Máy chiếu), và HP (Mỹ, máy tính xách tay, máy in, màn hình…)

Sau 10 năm, DGW đạt mốc doanh thu 1.000 tỷ

Nhờ kiên định với hướng đi đã chọn và uy tín chất lượng ngày càng nâng cao, sau 10 năm có mặt trên thị trường, DGW đã có doanh thu lần đầu vượt mốc 1000 tỷ, lọt vào top VNR500 vào hàng ngũ những công ty lớn nhất Việt Nam bên cạnh các tên tuổi lớn như Ngân hàng Eximbank, Nhựa thiếu niên tiền phong, Ô tô TMT, hay Pin Ác Quy miền Nam…, top 5 ICT (bên cạnh FPT, CMC, Samsung Vina, IDC) với tốc độ tăng trưởng vượt bậc 150%, gấp 3 lần trung bình ngành với 15 đối tác nhà cung cấp.

Năm 2008 – Mekong Capital hỗ trợ vốn, DGW chuyển đổi mô hình công ty

Năm 2008, được Mekong Capital rót vốn 5 triệu đô la Mỹ, DGW đã chuyển mình từ mô hình công ty tư nhân sang hoạt động mô hình hoạt động chuyên nghiệp: (1) chuẩn hóa hệ thống quản lý bằng phần mềm ERP SAP, (2) xây dựng các qui trình chuẩn mực về phát triển tổ chức và nhân sự, liên tục tổ chức các chương trình đào tạo để phát triển con người và đội ngũ kế thừa, phát triển hệ thống bảo hành ủy quyền DGCare, giúp cho khách hàng cuối tiếp cận các điểm bảo hành dễ dàng và nhanh chóng, đồng thời cũng giúp DGW lấy được các hợp đồng ủy quyền làm dịch vụ cho các tập đoàn CNTT lớn.

Ông Khôi cho biết việc đầu tư và mở rộng đã mang lại hiệu quả cho DGW, DGW không ngừng tím kiếm hợp tác với những bạn hàng lớn như… Genius (Đài loan, phụ kiện máy tính), Logitech (Thụy Sĩ, phụ kiện máy tính), Belkin, Schneider Electric (Pháp), APC (Thiết bị lưu điện), Gateway (Mỹ), Samsung, Microsoft.


Năm 2013 – Chính thức phân  phối điện thoại di động – dòng sản phẩm đầy triển vọng tại thị trường Việt Nam

Bước sang năm 2013, DGW chính thức cầm tấm vé thông hành vào ngành phân phối điện thoại di động sau khi ký hợp đồng phân phối thành công với tên tuổi số 1 thị trường bấy giờ, hãng điện thoại di động mà rất nhiều người Việt Nam yêu thích, Nokia. Lợi thế về việc quản lý bằng SAP, tài chính minh bạch, hệ thống dịch vụ ủy quyền phủ rộng đã giúp DGW chinh phục được tên tuổi hàng đầu thế giới này.
Doanh thu lần đầu vượt qua 3.000 tỷ đồng
Với lợi thế kinh nghiệm phân phối công nghệ trong suốt gần 20 năm, với hệ thống quản lý hàng tồn kho bằng ERP SAP, đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm về nghiên cứu thị trường, marketing, logistic,…DGW đã liên tiếp bổ sung được các hãng điện thoại khác như chung ta đã biết như Wiko đến từ Pháp, Obi hãng điện thoại đến từ Mỹ do John Scurly, cựu CEO của Apple sáng lập, Intex hãng điện thoại đến từ Ấn Độ,  số 2 tại thị trường này và Freetel, hãng điện thoại với phong cách và chất lượng Nhật Bản đặt niềm tin gửi gắm việc phát triển thị trường cho họ tại Việt Nam.
Với việc mở rộng ra phân phối các hãng điện thoại này, DGW được kỳ vọng đạt được những thành tựu mới.

Năm 2015- IPO và niêm yết trên HOSE
Năm 2015, doanh nghiệp chính thức IPO, và niêm yết trên sàn chứng khoán Hồ Chí Minh. Doanh nghiệp đã phát triển với 6.000 điểm bán lẻ (hệ thống lớn nhất trong ngành phân phối công nghệ tại thị trường Việt Nam), 30 nhà cung cấp khác nhau, được một hãng của UK Brand Finance  bình chọn là top 50 doanh nghiệp Việt Nam, được định giá ở mức 19 triệu Đô la Mỹ cho giá trị thương hiệu và 75 triệu Đô la Mỹ cho giá trị doanh nghiệp.

Năm 2016 – DGW bước sang năm kinh doanh thứ 20 – tái định vị là một đợn vị cung cấp dịch vụ phát triển thị trường chứ thay vì chỉ phân phối hay thương mại đơn thuần

Ông Khôi cho biết, Từ giữa năm 2016, DGW đã cho ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới với logo mới với những ý nghĩa như (1) cây bút viết nên trang sử mới; (2) cánh buồm đưa con thuyền rẽ sóng ra khơi; (3) móng ngựa biểu tưởng may mắn; (4) nút play là thể hiện khả năng thực thi mọi tác vụ; (5) Chứ D ký tự đầu tiên của Digiworld.

Đây là sự chuẩn bị sẵn sàng để Công ty tái định vị là một đợn vị cung cấp dịch vụ phát triển thị trường chứ không chỉ phân phối hay thương mại đơn thuần.

Ông Khôi đã giành thời gian còn lại của bài nói của mình để giải thich về khái niệm mà ông cho là mới với nhà đầu tư “ Dịch vụ phát triển thị trường” (DVPTTT) 
 

Ông Khôi đưa ra khái niệm, DVPTTT là một giải pháp tích hợp bao gồm đầy đủ các dịch vụ cover toàn bộ chuỗi giá trị từ (1) Phân tích thị trường và xây dựng chiến lược marketing (2) thực hiện chiến lược marketing (3)  Nhập khẩu Kho bãi, hậu cần (4) Phân phối đến (5) “chăm sóc hậu mãi”.

Trong đó:


      
Phân tích thị trường và lên kế hoạch marketing bao gồm: Phân tích thị trường và đối thủ cạnh tranh; Xây dựng kịch bản & kế hoạch thâm nhập thị trường; Quy định và cách tiếp cận thị trường


      
Triển khai kế hoạch marketing: Sáng tạo, quan hệ công chúng, phương tiện truyền thông, vật dụng trưng bày (POSM), Marketing thương mại, Cung cấp và quản lý PGs, Tổ chức bán hàng/ hỗ trợ đại lý


      
Nhập khẩu kho bãi hậu cần: Nhập khẩu, Kho bãi, Đóng gói, Vận chuyển, Quản lý hàng tồn kho bằng công nghệ cao


      
Phân phối: Quản lý tài khoản thanh toán, Thực hiện mạng lưới bán hàng đa kênh, Giao hàng thu tiển hộ – COD


      
Hậu mãi: Bảo hành, Dịch vụ khách hàng, Hỗ trợ kỹ thuật

Theo ông Khôi, DGW có lợi thế hơn các nhà sản xuất khi phân phối tại thị trường Việt Nam, do:

Nhà sản xuất (đặc biệt là nhà sản xuất nước ngoài) sẽ gặp khó khăn về:


         
Hệ thống luật pháp và quy định của Việt Nam


         
Khác biệt văn hóa, ngôn ngữ


         
Không có kênh tiếp cận với khách hàng Việt Nam


         
Không có kinh nghiệm về thị trường Việt Nam


         
Không đủ khả năng hoặc nguồn lực


         
Chi phí cao khi tự triển khai đủ 5 dịch vụ phát triển thị trường

Ngược lại, DGW:


      
Là một công ty Việt Nam


      
Gần 20 năm kinh nghiệm trên thị trường


      
Mạng lưới phân phối lớn nhất thị trường với hơn 6000 đại lý


      
Thấu hiểu nhu cầu và sở thích cũng như những xu hướng thay đổi trong tương lai


      
Thấu hiểu các thành phần tham gia thị trường và cạnh tranh


      
Chi phí thấp khi là đầu mối làm việc với những agency hàng đầu tại VN và có sẵn hợp đồng, barem giá với nhiều khách hàng.

Ông Khôi nhấn mạnh, lựa chọn DVPTTT sẽ là xu hướng khi nhà sản xuất thấy được những lợi ích sau:


      
Nhanh chóng thâm nhập thị trường 1 cách hiệu quả


      
Tiết kiệm chi phí cố định, chi phí vận hành, chi phí quản lý và sự phức tạp trong quản lý


      
Tiết kiệm thời gian để nắm bắt cơ hội


      
Giảm thiểu rủi ro


      
Tập trung vào thế mạnh cốt lõi


      
Tăng cường tính minh bạch và đảm bảo 1 thông điệp thống nhất tới các khách hàng

Công nghệ thay đổi nhanh, nếu các hãng sản xuất tự nghiên cứu thị trường và phân phối thì có thể xu hướng tiêu dùng đi qua, các hãng sản xuất sẽ tự đánh mất đi cơ hội của mình.

Với hướng đi mới này, DGW tin rằng một lần nữa với bước đi tiên phong trong ngành phân phối, DGW sẽ còn nắm bắt nhiều cơ hội để phát triển không những trong ngành hàng ICT mà DGW đang hoạt động mà còn mở rộng sang các ngành hàng khác nữa trong 1 tương lai không xa. 


DGW hiện nay cũng đang có những lợi thế cạnh tranh hơn các nhà phân phối khác.

Điều này thể hiện ở các luận điểm:
Thường thì các công ty phân phối truyền thống chỉ đảm nhận 2 hoặc 3 dịch vụ trong chuỗi giá trị này đó là: phân phối, logistics và một số thì có bảo hành. Trong khi đó, DVPTTT có thêm phân tích thị trường, đưa ra chiến lược marketing, thực hiện kế hoạch marketing đó, đưa hàng hóa vào thị trường mục tiêu và phân phối qua các kênh thích hợp

Có 1 thực tế là thị trường ngày càng phát triển và theo đó cạnh tranh cũng khốc liệt hơn, các nhà sản xuất hiểu rằng để tăng trưởng bền vững họ cần thấu hiểu nhu cầu khách hàng, thông tin thị trường chứ không đơn thuần là làm ra sản phẩm tốt rồi cứ đưa ra thị trường là tiêu thụ được. Do đó DVVPTTT ra đời để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao này.
Theo ông Khôi, từng mảng dịch vụ trong 5 dịch vụ nói trên, các hãng sản xuất có thể outsource riêng, nhưng các nhà sản xuất thuê 1 nhà phân phối mà tích hợp được đủ 5 dịch vụ này thì tiết kiệm được hơn. Đây được gọi là “ one stop service” mà doanh nghiệp DGW có thể cung cấp được.
Tầm nhìn 2020 : DGW là công ty tỷ đô được ghi nhận đóng vai trò nâng tầm Việt Nam, nơi mọi người đều được tưởng thưởng xứng đáng và thực hiện mục đích của cuộc đời mình.
Với nền tảng phân phối qua 6.000 điểm bán hàng trên 63/63 tỉnh thành, 5 trung tâm dịch vụ, 3 tổng kho, 15 kho hàng thứ cấp, 15 điểm bảo hành, DGW đã phân phối được rất nhiều mặt hàng máy tính, điện thoại, thiết bị văn phòng tại Việt Nam.

 

DGW đang trong quá trình định vị lại thương hiệu cũng như tìm kiếm sản phẩm mới thay thế mảng đã mất là Nokia. Theo kế hoạch của DGW, cơ cấu doanh thu sẽ bao gồm 3 mảng chính (1) Máy tính xách tay và máy tính bảng (2) Điện thoại thông minh và (3) Thiết bị văn phòng thay vì 4 mảng bao gồm cả Nokia/Microsoft như trước đây. Trong đó, mảng điện thoại thông minh được kỳ vọng là tăng trưởng tốt nhờ các dòng điện thoại thông minh phân khúc bình dân mà DGW đang tập trung hướng tới, với tỉ trọng tăng từ 15%/tổng doanh thu lên đến 35%/tổng doanh thu.

 
PHẦN 3: TỌA ĐÀM  “Hướng đi mới cho ngành Phân phối công nghệ
Tiếp theo chương trình, hội thảo diễn ra sôi nổi với nội dung tọa đàm “Hướng đi mới cho ngành Phân phối công nghệ” giữa các khách mời và giải đáp trực tiếp thắc mắc của nhà đầu tư. Tham gia hội thảo gồm có Ông Đoàn Hồng Việt – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Kiêm Tổng Giám đốc CTCP  Thế Giới Số (DGW); Ông Huỳnh Phước Cường –Chuyên gia nghiên cứu thị trường công nghệ; Ông Trần Vũ – Tổng giám đốc Dell Việt Nam, Ông Bùi Văn Hòa Trưởng đại diện  Freetel tại Việt Nam và Ông Khổng Phan Đức – Tổng Giám Đốc CTCP Chứng Khoán Khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank Securities).
Dẫn dắt buổi tọa đàm là Ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu VietinBank Securities.

Bối cảnh cạnh tranh thị trường phân phối công nghệ. Thách thức của DGW . Vai trò của nhà bán buôn là không thể thay thế.

Ông Đăng: Thưa các diễn giả và nhà đầu tư, việc cạnh tranh giữa các đối thủ trong ngành là điều tất yếu trong kinh doanh. Tôi cũng đã đọc rất nhiều thông tin về câu chuyện cạnh tranh giữa 3 “người” trong hệ thống phân phối bán buôn các mặt hàng công nghệ bao gồm PSD, FPT Trading và Digiworld. Tuy nhiên, trong phần trình bày của các diễn giả, chúng ta đang nhận thấy các DN phân phối hàng công nghệ truyền thống còn đang gặp thêm sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các nhà bán lẻ khi các doanh nghiệp này giành được quyền phân phối trực tiếp từ các hãng sản xuất?

Vậy thưa ông Cường, với 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu thị trường, ông có thể cho các NĐT được biết cụ thể hơn về mức độ cạnh tranh trên?

Ông Cường: Điều đầu tiên tôi muốn khẳng định với các nhà đầu tư ở đây là Kinh doanh là luôn có sự cạnh tranh, cạnh tranh sẽ tạo ra sự phát triển mới.

Theo nghiên cứu của chúng tôi, đúng là đang có sự cạnh tranh này. Sự cạnh tranh đến từ

(1)  là giữa các nhà phân phối bán buôn với nhau. Sự cạnh tranh này đang diễn ra khá gay gắt, làm sao có thể tối ưu hóa các chi phí, đưa được hàng hóa đến nhà bán lẻ, làm sao có thể thu hút sự tập trung của các nhà sản xuất đến thị trường Việt Nam.

(2) giữa nhà bán buôn và bán lẻ. Trong giai đoạn gần đây, các nhà bán lẻ cũng tham gia vào nhập khẩu để phân phối. Nếu nhà bán lẻ lớn có sự phát triển bền vững, đặc biệt về năng lực tài chính và quản lý thì họ cũng có thể tham gia vào chuỗi giá trị để tối đa hóa cái giá trị gia tăng của mình.

Tôi cũng nhấn mạnh thêm rằng, do quy mô thị trường công nghệ hiện vẫn đang rất lớn và vẫn đang giữ tốc độ tăng trưởng cao (6 tháng đầu năm 2016, tăng trưởng 19,1% so với cùng kỳ) nên các nhà kinh doanh vẫn nhìn thấy cơ hội lớn trong thị trường này. Do đó, sự cạnh tranh vẫn đang xảy ra là điều tất yếu.

Ông Đăng: Thế thưa ông Việt, là một doanh nghiệp đang đứng trong bối cảnh cạnh tranh đó, liệu ông có cho rằng, vị trí của nhà phân phối bán buôn trong chuỗi giá trị ngành là có thể bị thay thế?

Ông Việt: Tôi cho rằng, việc nhà bán lẻ tham gia phân phối trực tiếp từ nhà sản xuất đều gặp phải những khó khăn nhất định ở cả hai nhóm sản phẩm:

(1) 
Với nhóm sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường tiêu dùng


         
Với mặt hàng trên thị trường ai cũng biết, chỉ thuần túy cạnh tranh về giá, thì nhà bán lẻ có thể phân phối trực tiếp từ hãng. Tuy nhiên điều này khó khăn ở vấn đề thời gian nhập hàng. Không nhà sản xuất nào có thể phân phối hàng trong 3 hay 5 ngày cho nhà bán lẻ như các nhà phân phối đang làm. Để nhập khẩu trực tiếp, các nhà bán lẻ phải chuẩn bị 3 tháng thì mới có hàng về.


         
Đặt hàng từ nhà sản xuất phải tốn thời gian, nguồn lực, chịu nhiều rủi ro. Nếu nhà bán lẻ không thể bán hết cho một khoảng thời gian đã định lượng trước thì họ không thể bán lại cho đối thủ cạnh tranh của mình.


         
Với nhà sản xuất, không ai muốn lệ thuộc kênh phân phối của mình vào một người duy nhất.


(2) 
Với những sản phẩm đặc thù, khó bán hoặc chưa nổi tiếng trên thị trường,


         
Để món hàng đó đến tay người tiêu dùng thì phải nghiên cứu thị trường, tổ chức marketing, bán hàng, hậu mãi. Vai trò của nhà phân phối sẽ được phát huy với nhóm sản phẩm này.


         
Các nhà phân phối sẽ có những giá trị tăng thêm khi tích hợp được những dịch vụ trên.


         
Chiến lược của DGW là một nhà cung cấp dịch vụ phát triển thị trường trọn gói cho những nhà sản xuất có sản phẩm tốt đã được chứng minh trên thị trường thế giới và nay xâm nhập vào thị trường Việt Nam với tốc độ nhanh nhất và chi phí tối ưu nhất.

Ông Đăng: Sự vươn lên của các chuỗi bán lẻ, càng ngày càng đe dọa vị thế của nhà bán buôn. Tôi cũng muốn chia sẻ thêm ở đây, Ông Khổng Phan Đức, trước khi làm tư vấn ông cũng làm FPT, là một trong những doanh nghiệp trong thị trường phân phối công nghệ cả bán buôn và bán lẻ tại Việt Nam, ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này, ông nhận thấy thế nào sự thay đổi vị thế giữa hai mắt xích này?

Ông Đức: Vào năm 2005- 2006, các doanh nghiệp phân phối có vị thế thị trường rất mạnh. Đặc biệt là FPT khi tiếp cận được tài chính từ ngân hàng. Với tiềm lực tài chính mạnh, FPT nhập lượng hàng lớn với giá chiết khấu tốt, sau đó xây dựng chiến lược tín dụng thương mại rồi phân phối qua master dealer và retailers. Với chính sách giá rõ ràng, FPT đã xây dựng từng kênh bán hàng một và đạt được thành công rõ rệt. Tại thời điểm đấy, mô hình công ty phân phối bao trùm thị trường, chiếm lĩnh tương đối trọn vẹn, thị trường công nghệ từ các mặt hàng Samsung, Nokia, Motorola,…

Tuy nhiên, đến năm 2010 trở lại đây, sức ép bị cạnh tranh tăng lên do các chuỗi bán lẻ. Sự thành công của các chuỗi bán lẻ rất đang được ghi nhận, mô hình dịch vụ được đóng gói thật là tốt, tiếp cận cửa hàng, gói dịch vụ, trực tiếp làm việc với hãng, tất cả điều này tạo ra sức ép ngược lại với nhà phân phối về giá tốt hơn nữa để tạo biên lợi nhuận gộp tốt hơn. Điều này cũng thể hiện bằng con số khi biên lợi nhuận gộp nhà bán buôn rơi vào khoảng 5%, trong khi nhà bán lẻ là 15%.


Bên cạnh đó, tôi cũng nhận thấy rằng, nhà phân phối cũng lo sợ các nhà mạng nhảy vào chuỗi giá trị, nhưng ở Việt Nam, may thay, các nhà mạng vẫn đang tập trung dịch vụ mạng chứ chưa lấn sân.

Ngoài ra, sự cạnh tranh này còn đến từ phân phối online trực tuyến. Tại nhiều quốc gia, bán hàng online càng ngày càng rõ hơn.

Do vậy, việc các doanh nghiệp phân phối phải trải nghiệm các sự cạnh tranh khác nhau là điều tất yếu. Tuy nhiên, tôi phải nhấn mạnh rằng, mỗi mô hình đều có ưu điểm nhược điểm khác nhau, chứ không có ưu điểm tuyệt đối.

Ví dụ: các nhà bán lẻ để cover chi phí cố định (mặt bằng) buộc nâng giá bán lên, người tiêu dùng mua giá khá cao. Điều này thể hiện ở biên lãi gộp của ba doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán là hoàn toàn khác nhau. Lãi gộp của bán lẻ buộc phải duy trì ở mức cao hơn 15%, DGW và PSD thấp hơn nhưng DGW trội hơn 6,28%.

Với mô hình qua các nhà phân phối, các nhà phân phối có quyền tiếp cận đến rất nhiều cửa hàng khác nhau, từ to đến nhỏ. Trong đó, mỗi cửa hàng có sự tối ưu hóa chi phí khác nhau, họ cạnh tranh trực tiếp với nhau, giá đến end user có cạnh tranh hơn là mô hình bán lẻ.

Một lần nữa, tôi muốn khẳng định lại rằng, các mô hình cạnh tranh là tồn tại song song nhau và mãi mãi như thế. Từng giai đoạn, sẽ có sự trội lên của mô hình này thay cho mô hình khác, nhưng sự cạnh tranh vận động lẫn nhau tạo nên sự phát triển.

Ông Đăng: Thưa các quý nhà đầu tư, theo chuyên gia ngành đã phân tích, việc cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ và bán buôn rõ ràng là đang tồn tại. Sự cạnh tranh đó theo các chuyên gia là tồn tại song song, vận động tạo sự phát triển. Vấn đề là, vai trò của nhà bán buôn vẫn là không thể thay thế được do nhà bán buôn đóng vai trò như một market maker kết nối nhà sản xuất và bán lẻ trong khi nhà bán lẻ sẽ phải chịu các rủi ro như (1) rủi ro biến động giá (2) rủi ro hàng tồn kho (3) vấn đề về tài chính …khi tham gia phân phối bán buôn. Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp bán buôn đã làm gì để lý thuyết này là sự thật. Chúng ta hãy đến với ông Việt, đại diện của doanh nghiệp hoạt động trong mắt xích có sự cạnh tranh mạnh mẽ này.

DGW đã làm gì để giữ chân các hãng sản xuất và các hãng sản xuất đã lựa chọn DGW như thế nào?

Ông Đăng: Thưa ông Việt , ông đánh giá thế nào về vai trò của mình, và ông đã làm gì để giữ chân các hãng sản xuất?

Ông Việt: Các hãng vẫn đang tin tưởng sử dụng dịch vụ của DGW , xuất phát từ:

(1) 
DGW cung cấp Dịch vụ phát triển thị trường, nhắm đến các hãng sản xuất có sản phẩm tốt, đã có thành công ở nước khác nhưng chưa có mặt tại thị trường Việt Nam. Nhà sản xuất hay DGW đều phải giải quyết công đoạn 5 bước như đã nói ở trên. Để nghiên cứu, làm thế nào tiếp cận nhà tiêu dùng, phải tổ chức event ra làm sao, bán như thế nào. Với mỗi sản phẩm có những cách tiếp cận khác nhau, Iphone không thể chỉ bán ở nông thôn mà hãng giá rẻ không thể chỉ bán ở thành phố. Những công việc này, các hãng sản xuất không có nguồn lực về nghiên cứu thị trường, Ví dụ như Wiko, Obi không có ai đại diện ở Việt Nam cả. Vì vậy, với kinh nghiệm về dịch vụ phát triển thị trường, công việc của DGW là thuyết phục nhà sản xuất là Việt Nam thị trường rất tiềm năng, đưa ra dịch vụ trọn gói, kế hoạch 3 năm là gì, chi phí và kết quả sẽ ra làm sao. Đồng thuận với nhà sản xuất những bước đi cụ thể trong quá trình tìm kiếm và xâm nhập thị trường.

(2) 
Năng lực quản lý hàng tồn kho ERP.  Việc minh bạch thông tin trên kênh phân phối rất quan trọng, các nhà cung cấp luôn cần biết hàng đã đến đâu, chuyển tới khách hàng nào, ở đâu. Như vậy, các đối tác là nhà cung cấp hoặc ngân hàng  có thể xem trực tuyến  doanh số bán và hàng tốn kho. Điều này đang tạo sự tin tưởng và an tâm cho các nhà sản xuất.

Ông Đăng: Vâng, đúng là như vậy, việc cạnh tranh đang diễn ra trên tất cả các mặt hàng công nghệ, chúng ta rất may mắn có ở đây cả đại diện nhà sản xuất thiết bị máy tính và văn phòng cũng như là nhà sản xuất điện thoại. Tôi xin phép được xin ý kiến của nhà sản xuất máy tính và thiết bị văn phòng trước là ”Thưa ông Trần Vũ, đại diện bên Dell, là một trong những nhà sản xuất máy tính lớn trên thị trường, ông nghĩ như nào về vấn đề cạnh tranh này? Bản thân với các sản phẩm bên Dell, các chính sách phân phối hiện nay là như thế nào và thông qua các kênh nào ạ? Tại sao ông vẫn chọn DGW là nhà phân phối của mình? Tiêu chí lựa chọn nhà phân phối là gì?

Ông Trần Vũ (Dell): Đối với Dell, không phải tìm kiếm được thị trường là đã thành công tất cả. Việc hiểu người tiêu dùng, với sản phẩm máy tính còn là hiểu nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp là điều rất khó thực hiện. Vì vậy Dell cần một doanh nghiệp phân phối có khả năng nghiên cứu thị trường, nghiên cứu nhu cầu hộ nhà sản xuất.

Với tiêu chí chọn nhà phân phối, Dell luôn đặt ra một số yêu cầu như (1) Có mạng lưới rộng nhất (2) Sản phẩm cần phân phối nhắm đến end user nào thì chọn đại lý phân phối đang hoạt động trong phân khúc đó.

Do vậy, một trong những lý do mà Dell sử dụng dịch vụ của DGW là DGW đang đáp ứng được cả hai tiêu chí trên, cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Cách quản lý của DGW cũng rất khác biệt, khi phủ rộng 63 tỉnh thành, cách quản lý hàng tồn kho và thanh toán khác so với các doanh nghiệp khác.

Ông Đăng: Chúng ta có ở đây, ông Bùi Văn Hòa đến từ hãng sản xuất điện thoại Freetel, xin ông cho biết khi thâm nhập vào thị trường mới sẽ gặp rất nhiều khó khăn? Ông vượt quá khó khăn đó bằng cách nào? Kênh nào? Tại sao ông chọn DGW là nhà phân phối của mình?

Ông Bùi Văn Hoà Freetel: Tôi đã từng làm tại một chuỗi bán lẻ rất lớn. Khi doanh nghiệp bán lẻ này đủ lớn, chúng tôi vẫn luôn tìm cách làm sao để tự nhập khẩu hàng về để phân phối. Tuy nhiên, qua tính toán, việc này để thực hiện được là rất khó. Doanh nghiệp bán lẻ cần phải tổ chức một hệ thống mới lớn và hoàn toàn khác để thực hiện toàn bộ những dịch vụ mà một doanh nghiệp như DGW đang làm. Và nếu làm vậy thì thực sự không thể chi trả đủ chi phí.

Sau này tôi đã tham gia công ty Freetel của Nhật. Đối với tôi, sử dụng kênh phân phối không đơn thuần là phân phối truyền thống mà quan trọng ở quan hệ, yếu tố trừu tượng.

Freetel là hãng hoàn toàn mới, không giống Samsung, Apple, là những thương hiệu điện thoại đã có tên tuổi, nên không thể phân phối 63 tỉnh thành trong một thời gian ngắn. Đối với tôi, dù phân phối sản phẩm nào, giá trị cao hay thấp nhưng phải thể hiện đúng chất ,nếu không sẽ bị loại ra khỏi thị trường.


Việc tìm kiếm được một đối tác có một chiến lược, một nhà phân phối có hệ thống, biết ngóc ngách thị trường là một việc cần thiết cho những hãng sản xuất như Freetel. Giải pháp Freetel sử dụng là kết hợp với một nhà phân phối đủ năng lực, đủ năng động và đủ uy tín có thể thực hiện việc phối hợp pha trộn cách thức phân phối vào các retail format khác nhau: ví dụ đối với các đại lý nhỏ lẻ hay các nhà bán buôn đia phương tỉnh thì theo cách full sales (bán toàn bộ), các chuỗi lớn thì theo cách fulfillment, (hoàn thành toàn bộ quá trình từ lúc khách hàng đặt mua đến khi giao sản phẩm: bao gồm lấy hàng nhập kho, đóng gói, và chuyển đến cho ngwofi mua đúng hẹn)
Trong quá trình nghiên cứu và thật may mắn biết đến anh Việt và công ty DGW, Freetel đã chọn DGW làm nhà phân phối cho mình.
DGW là một công ty có sẵn hệ thống chăm sóc đại lý, các phần mềm quản lý tốt, có tiềm lực về tài chính. Hệ thống quản lý hàng tồn kho hay các dịch vụ phát triển thị trường của DGW khiến Freetel rất yên tâm. Những dịch vụ mà DGW cung cấp cũng sẽ thay mặt Freetel  tạo sự uy tín về chất lượng sản phẩm đến người tiêu dùng. Đây là sự hợp tác về sức mạnh giữa nhà sản xuất và nhà phân phối.
 
Ông Đăng:
Việc thâm nhập thị trường và giữ được thị trường để tiêu thụ sản phẩm là vấn đề nan giải của các nhà sản xuất. Do vậy, họ luôn phải tận dụng các kênh phân phối khác nhau để đảm bảo đa dạng hóa rủi ro. Tuy nhiên, kênh phân phối qua nhà bán buôn vẫn luôn được ưu tiên lựa chọn hàng đầu. Đặc biệt, với các doanh nghiệp bán buôn có khả năng cung cấp các dịch vụ khép kín như dịch vụ phát triển thị trường (MES) cũng như quy trình quản lý hàng tồn kho tốt (ERP) như DGW đang làm thì luôn nằm trong tầm ngắm của các hãng sản xuất.
Như vậy, công tác đầu vào của DGW đã được đảm bảo, vậy con đầu ra thì sao?
Tôi nhận thấy rằng, DGW đang phân phối điện thoại các hãng Obi, Wiko, Freetel, đều là các hãng điện thoại giá rẻ. Còn về mảng IT, doanh nghiệp vẫn đang kinh doanh ổn định và mở rộng các mặt hàng phân phối. Tôi đang rất băn khoăn về xu hướng tiêu dùng và triển vọng của từng mảng sản phẩm này. Chúng ta hãy quay lại với ông Cường, chuyên gia ngành của chúng ta.
Xu hướng tiêu dùng và triển vọng các mảng sản phẩm điện thoại và IT. Cơ hội của DGW
Ông Đăng:
Một mảng rất quan trọng trong các sản phẩm công nghệ là mảng điện thoại, thưa ông Cường, ông có thể cho biết quy mô, và xu hướng tiêu dùng cũng như triển vọng của mảng này không ạ?
Ông Cường:
Về tổng thế nhóm ngành điện thoại, theo nghiên cứu của chúng tôi, nhóm này sẽ tiếp tục
tăng trưởng tốt trong thời gian 2-3 năm tới, với tốc độ rơi vào khoảng 12%/năm. Điều này được hỗ trợ bởi các yếu tố (1)  Thu nhập bình quân người tiêu dùng theo WB vượt ngưỡng 2.000 đô la Mỹ (2) Dân số trẻ với quy mô 93 triệu người (3) mặt hàng điện thoại có sự thay đổi nhanh về công nghệ, nên nhu cầu thay thế cũng đóng góp phần lớn trong sự tăng trưởng của nhóm sản phẩm này
Đặc biệt, tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm,
dòng sản phẩm nghe gọi thông thường đang có xu hướng tiêu dùng chững lại và giảm trong khi có sự gia tăng chóng mặt các dòng sản phẩm smartphone. Cụ thể, năm 2013, khối lượng bán ra của dòng điện thoại cơ bản là khoảng 11.085 ngàn máy thì năm 2016 con số này ước đạt 12.800, và ước tính năm 2017 là 12.000 ngàn máy (-6% y-o-y). Trong khi đó những con số này ở mảng điện thoại thông minh lần lượt là 7.700 ngàn máy; 16.000 ngàn máy (+28%/năm) và 17.280 (+10% y-o-y).
Trong đó,
các dòng sản phẩm smartphone phân khúc trung bình và giá rẻ dường như đang có sự phát triển mạnh mẽ, đặc biệt tập trung ở vùng nông thôn. Điều này được thể hiện bằng con số thống kê về tỷ trọng cơ cấu tiêu dùng của từng khu vực. Cụ thể, tỷ trọng của các thành phố lớn đang giảm dần khi Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh giảm từ 13,4% và 22,5% năm 2015 xuống còn 10,9% và 18,8% giữa năm 2016; trong khi đó các vùng nông thôn lại tăng lên về tỷ trọng, đơn cử ở phía Bắc tăng từ 5,8% lên 7,3 % trong cùng giai đoạn.

Ông Đăng: Dòng sản phẩm máy tính xách tay có phải đang có xu hướng bão hòa và cũng sẽ là khó khăn cho các doanh nghiệp phân phối không ạ? Xu hướng tiêu dùng trong tương lai của dòng sản phẩm này như thế nào ạ? Xin mời các chuyên gia

Ông Cường: con số tăng trưởng của mảng máy tính xách tay đúng là đang chững lại và không được kỳ vọng tăng trưởng trong thời gian tới. Tuy nhiên, con số chúng tôi đang đo được là mới chỉ từ 8 thành phố lớn chứ không phải là cả nước. Cộng thêm việc, đây là con số đo từ khối khách hàng cá nhân mà đang bỏ qua số liệu từ khách hàng doanh nghiệp, tổ chức nên số liệu có phần phản ánh chưa đầy đủ. Tôi cho rằng, khu vực nông thôn đang là một thị trường tiềm năng cho sự phát triển nhóm hàng này.

Ông Việt DGW: Thị trường chung thì vẫn đang đi xuống nhưng như như ông Cường đã nói đó mới chỉ là con số thống kê với người tiêu dùng cá nhân thôi, còn khối văn phòng và chính phủ sức mua vẫn ổn định và thậm chí thuận lợi bởi dòng vốn nước ngoài. Điểm thuẩn lợi là cạnh tranh giữa các hãng đã không còn khốc liệt.

Ông Đăng: Có thể thấy rằng xu hướng lựa chọn của người tiêu dùng Việt Nam đang là chuyển sang dùng dòng smartphone thay thế cho dòng điện thoại nghe gọi, đặc biệt là dòng smart phone giá rẻ, và xu hướng này đang hình thành và tập trung tại thị trường nông thôn. Các mảng IT, đặc biệt là thiết bị văn phòng vẫn còn tăng trưởng tốt trong những năm tới. Vậy tôi lại băn khoăn rằng, đay có phải chăng là cơ hội cho các nhà phân phối?

Sự chuẩn bị và hướng đi mới của DGW. Kết quả và triển vọng của “cú chuyển mình”.

Ông Đăng: Thưa đại diện bên DGW, với những chia sẻ của hãng sản xuât, các bên cũng rất ủng hộ hoạt động phân phối của công ty mình. Với những tín hiệu từ thị trường, vừa có những thách thức từ cạnh tranh nhưng cũng có cơ hội từ xu hướng tiêu dùng, DGW có hướng đi mới nào cho riêng mình không? Doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị như thế nào cho kế hoạch đó của mình?

Ông Việt

Hướng đi mới của DGW thể hiện ở việc công ty đang chú trọng Phát triển dịch vụ phát triển thị trường. Với tháp giá trị gia tăng, mỗi một dịch vụ trong 5 dịch vụ chúng tôi đã nói ngay từ ban đầu đều mang lại những giá trị gia tăng nhất định. Tuy nhiên, giá trị gia tăng tăng theo thứ tự (1) nhập khẩu kho vận (2) phân phối (3) dịch vụ hậu mãi (4) marketing (5) nghiên cứu thị trường. Nhờ những dịch vụ này, DGW có thể kết hợp với các brand nhỏ để tận dụng các kênh phân phối sâu rộng ở thị trường nông thôn nhưng vẫn giữ tỷ lệ cân bằng khoảng 60:40 với hệ thống chuỗi.


Chúng tôi đã nhận ra  xu hướng của thị trường mà sẽ là cơ hội phát triển của chúng tôi từ nhiều năm trước và có sự chuẩn bị về nguồn lực cũng như quản trị để đón đầu cơ hội thị trường và có những biện pháp để đối mặt với khó khăn khi thị trường truyền thống đang cạnh tranh khốc liệt.v.v. Thị trường công nghệ là một thị trường thay đổi nhanh chóng, chúng tôi có chiến lược 3C. Chữ C đầu tiên là “ Cơ sở vật chất” thể hiện quy trình quản lý hệ thống phần mềm, uy tín doanh nghiệp, tài chính, chữ C thứ hai là chỉ “ con người”, thể hiện ở việc hệ thống nhân viên DGW được đào tạo bài bản có một nền tảng kinh doanh tốt. Hai yếu tố C đầu tiên tạo nên một nền tảng kinh doanh tốt để khi thị trường biến đổi, chủng loại biến đổi, thì DGW nắm bắt được cơ hội.  “Cơ hội” chính là chữ C thứ 3 trong chiến lược này. Ngay trong thời điểm này,  DGW cũng nhìn thấy điểm thị trường bão hòa trong 3 năm tới và đã chuẩn bị những bước tiếp theo để đi nhưng bước cờ mới.

Ông Đăng: Vâng, những gì ông chia sẻ về kế hoạch, hướng đi mới là như thế, nhưng các nhà đầu tư ở đây thực sự quan tâm đến việc kế hoạch về con số doanh thu lợi nhuận cụ thể mà ông có thể dự phóng được từ những hướng đi mới như thế này? Ông có thể chia sẻ thêm được không?

Ông Việt: Vâng, doanh thu của DGW trong năm 2017 đự kiến đến từ các mảng


(1) 
Với những dòng sản phẩm đang phân phối hiện tại: dự kiến tăng trưởng 15%


(2) 
Với thế mạnh của DGW thì chúng tôi tin tưởng sẽ có khả năng hợp tác với nhiều hãng nữa, cụ thể trước mắt là 2 hãng điện thoại nữa.


(3) 
Doanh thu đến từ Ngành hàng mới, dựa trên yếu tố nền tảng về MES và hiểu biết về thị trường.

Về cổ tức, chúng tôi vẫn trả cổ tức bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu. DGW cũng sẽ có những quyết định về huy động vốn, đầu tư cho tương lai cho nhóm sản phẩm tới. Tuy nhiên, phương án cụ thể sẽ được quyết định vào quý 1/2017. 


Ông Đăng: Rõ ràng là DGW đang đi một con đường khác với các doanh nghiệp phân phối khác và đã tạo được thành tựu cho riêng mình. Với nền tảng MES và ERP vững chắc, tôi nghĩ rằng DGW vẫn sẽ luôn khẳng định vị trí của mình trong chuỗi giá trị ngành phân phối ICT.

Từ đầu câu chuyện đến giờ, chúng ta đã nói đến rất nhiều câu chuyện về ngành, về phương hướng kinh doanh của doanh nghiệp, tuy nhiên nhà đầu tư ở đây cũng sẽ rất quan tâm đến việc những thông tin đó đã và đang phản ánh thế nào đến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trong ngành nói chung và DGW nói riêng? Vậy thưa ông Đức, là đại diện đến từ công ty chứng khoán, ông có thể chia sẻ thêm về diễn biến giá cổ phiếu ngành phân phối ICT và cơ hội đầu tư vào cổ phiếu DGW nói riêng? Các nhà đầu tư ở đây đều quan tâm là Cổ phiếu CNTT có nên đầu tư không? DGW có đầu tư được hay không?

Ông Đức:

Đây không phải quyết định của tôi. Hội thảo cố gắng tổ chức thường xuyên để NĐT nhận diện lại chuỗi giá trị của ngành, và những thông tin về vai trò cũng như cách thức tạo giá trị gia tăng của một doanh nghiệp phân phối khác như thế nào với nhà bán lẻ.

Với tôi, yếu tố con người là yếu tố quan trọng nhất khi xem xét một doanh nghiệp. Các nhà đầu tư hãy lựa chọn một doanh nghiệp có người lãnh đạo luôn tâm huyết với doanh nghiệp đó, luôn tìm tòi hướng đi mới mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho cán bộ công nhân viên, cổ đông và xã hội. Thông điệp này tôi nghĩ sẽ áp dụng đúng trên mọi thị trường trên thế giới.

Với DGW: lãnh đạo doanh nghiệp có một hướng đi mới là cũng cấp dịch vụ phát triển thị trường. Các doanh nghiệp phân phối khác như FPT trước kia cũng chỉ cố gắng mua thật nhiều thì được hãng chiết khấu giá càng thấp và bán được đến người tiêu dùng giá cạnh tranh hơn.

Tuy nhiên, đối với một doanh nghiệp có nền tảng quản trị và năng lực cốt lõi tốt (MES, ERP), khác biệt với các doanh nghiệp khác, có những sự đón đầu chuẩn bị tốt thì việc gặp khó khăn cũng sẽ khắc phục được, tuy sẽ mất thời gian, nhưng đáng để kỳ vọng. Việc khai thác thị trường mới sẽ giúp gia tăng được lợi nhuận, tạo động lực tăng trưởng trong tương lai.

Với kế hoạch mà DGW đã chia sẻ, tôi cho rằng đây là cơ hội tốt để các nhà đầu tư ở đây cân nhắc.

Thực hiện: Thu Hằng  

 
 
 
 

 
 

 
 
 

 

 


[TRỰC TIẾP] Hội thảo “Hướng đi mới trong ngành Phân phối công nghệ. Gặp gỡ Công ty Cổ phần Thế giới số (DGW)”
Call Now Button