Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank Securities), Sở giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE), Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á (DAG) phối hợp tổ chức hội thảo “
Ngành Nhựa xây dựng Việt Nam – Câu chuyện cạnh tranh trên sân nhà. Gặp gỡ Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á (DAG)
”.

Thời gian: 15h30, thứ Tư, ngày 02/11/2016.

Địa điểm: Trụ sở HOSE, 16 Võ Văn Kiệt, Q.1, TP.HCM.

 


(Hiện đã có hơn 200 NĐT và hơn 20 phóng viên báo chí tham dự hội thảo) 

Đến tham dự Hội thảo gồm có:

Đại diện từ Bộ Xây Dựng: Ông Lê Văn Tới – Nguyên Vụ trưởng Vụ vật liệu xây dựng – Bộ Xây Dựng; Ông Phạm Văn Bắc – Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng – Bộ xây dựng;

Đại diện từ HOSE: Ông/bà Trần Anh Đào – Phó TGĐ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh ;

Đại diện từ DAG: Ông Nguyễn Bá Hùng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á; Ông Trần Việt Thắng – Phó Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á

Đại diện từ Công ty Chứng khoán Công Thương: Ông Thái Hoàng Long – Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng Khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam, Ông Đặng Trần Hải Đăng – Phó Giám đốc trung tâm Nghiên cứu

Mở đầu chương trình là phần phát biểu của bà Trần Anh Đào, Phó TGĐ Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại hội thảo, Bà Trần Anh Đào – Phó TGĐ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh cho biết: Đây là buổi hội thảo thứ tư HOSE phối hợp với VietinBanksc tổ chức, cũng là một trong số chuỗi hội thảo được tổ chức theo bộ phân ngành theo chuẩn MSCI. Đầu năm 2106, HOSE đã giới thiệu bộ chỉ số ngành theo chuẩn MSCI. Đây là nỗ lực HOSE để đưa thị trường Việt Nam gần hơn với khu vực và nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thế giới. Với hội thảo lần này, HOSE vui mừng chào đón quý vị lãnh đạo đến từ Bộ xây dựng, Công ty CP Tập đoàn Nhựa Đông Á, và VietinBanksc đến dự hội thảo với chủ đề cạnh tranh ngành nhựa xây dựng.

Bà Đào nhấn mạnh, đối với ngành nhựa xây dựng, theo hệ thống phân loại là thuộc ngành vật liệu. 9 tháng đầu năm đến nay, chỉ số nhóm ngành này đã tăng 45%, phần nào chứng tỏ rằng đây là một ngành được nhà đầu tư rất quan tâm. Bà Đào mong rằng buổi gặp gỡ hôm nay sẽ đem đến cho nhà đầu tư thông tin thiết thực, tận dụng cơ hội này để đặt ra câu hỏi cho các quý vị lãnh đạo, để đúc kết thêm thông tin cho bản thân trong quá trình đầu tư.


 


 



(Bà Trần Anh Đào – Phó TGĐ Sở Giao Dịch HOSE)

Mở đầu nội dung buổi hội thảo là phần trình bày của Ông Phạm Văn Bắc – Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng – Bộ xây dựng.


 


 



(Ông Phạm Văn Bắc – Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng – Bộ xây dựng)

 

Phần trình bày đầu tiên của Ông Bắc mang đến cho NĐT bức tranh tổng quan và xu hướng phát triển của ngành nhựa xây dựng.



 



(Đông đảo các NĐT đã tham gia theo dõi hội thảo)



 


Vật liệu nhựa xây dựng đang dần thay thế cho các vật liệu khác

Theo Ông Bắc, những năm trước thời kỳ đổi mới, ngành nhựa xây dựng chưa phát triển, các sản phẩm ống cấp, thoát nước phục vụ các công trình xây dựng chủ yếu làm bằng ống kim loại và ống sành; vật liệu làm khung của sổ và cửa ra vào chủ  yếu làm bằng gỗ tự nhiên.

 

Từ khi nhà nước tiến hành công cuộc đổi mới, mở cửa tới nay thì các sản phẩm mới, công nghệ mới đã từng bước xâm nhập vào thị trường Việt Nam, trong đó có vật liệu nhựa phục vụ ngành xây dựng. Các chủng loại sản phẩm ống nhựa làm ống cấp, thoát nước từng bước phát triển, từng bước thay thế ống kim loại. Thanh uPVC PROFILE lúc đầu được nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam, sau đó được đầu tư sản xuất tại Việt Nam, dùng làm khung cửa, từng bước thay thế gổ tự nhiên. Trong quá trình phát triển đó các loại sản phẩm này ngày càng thể hiện rõ được các tính năng ưu việt, các tiện ích vượt trội mà nó mang lại cho các công trình xây dựng.

Vì vậy ông Bắc cho rằng,  xu hướng phát triển của các loại sản phẩm này ngày càng mạnh mẽ; các loại sản phẩm ngành nhựa trong xây dựng ngày càng phong phú đa dạng, về cả mẫu mã và chủng loại như: Ngoài ống nhựa, thanh uPVC profile, tấm nhôm composite còn có  tấm nhựa MICA (PS), tấm PP, tấm FOMEX,.. ngày càng phát triển với tốc độ cao trong những năm gần đây mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

 

Xu hướng và tốc độ phát triển cá loại sản phẩm nhựa xây dựng ngày càng mạnh mẽ

Sau phần tổng quan ngành nhựa, Ông Bắc đã mang đến cho NĐT cái nhìn cụ thể hơn về Sự phát triển của các doanh nghiệp nhựa xây dưng.

Theo Ông Bắc , doanh nghiệp nhựa xây dựng được phân làm 02 ngạch chính đó là doanh nghiệp sản xuất ống nhựa và doanh nghiệp sản xuất thanh profile.

Với các doanh nghiệp sản xuất ống nhựa

Tiên phong cho mảng sản xuất ống nhựa là Nhựa Thiếu niên Tiền phong (doanh nghiệp mà ban đầu cũng sản xuất nhựa gia dụng); tiếp sau là Công ty cổ phần nhựa Bình Minh. Đến nay đã có hàng chục nhà máy trên phạm toàn quốc, với tổng công suất khoảng 180.000 tấn/năm và sản phẩm đạt tiêu chuẩn của các nước trên thế giới.

Đại diện từ Bộ Xây Dựng thống kê rằng, thị trường các sản phẩm ống nhựa sản xuất tại Việt Nam chiểm 95-98% thị trường ống nhựa Việt Nam, trong đó, phần lớn vẫn thuộc về 2 doanh nghiệp Nhựa Tiền Phong và Bình Minh. Sản phẩm ống nhựa đã thay thế 50-60% các sản phẩm ống cấp nước bằng kẽm, và vật liệu khác tại Việt Nam. Theo ông, thị phần ống nhựa này sẽ ngày càng cao trong thị trường ống cấp thoát nước công nghiệp.

Ông Bắc nhấn mạnh, từ số liệu thị phần của sản phẩm ống nhựa,  rõ ràng là, trong tương lai các sản phẩm nhựa xây dựng của các doanh nghiệp sẽ còn có nhiều cơ hội chiếm lĩnh thị trường nhựa trong nước.

Với các doanh nghiệp sản xuất thanh profile

Ông Bắc khẳng định, do tính ưu việt, các tiện ích mang lại từ các sản phẩm nhựa xây dựng, nên trong những năm gần đây cùng với sự phát triển của khu vực nhà ở, thị trường bất đông sản tăng mạnh đẫn đến nhu cầu tăng vọt của các thanh profile làm khung cửa thay thế sản phẩm gỗ. Vì vậy các nhà máy sản xuất các loại sản phẩm này cũng được đầu tư xây dựng một cách nhanh chóng.

 

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ thì hiện nay ở Việt Nam có khoảng gần chục công ty,  chủ yếu tập trung tại miền Bắc (8 công ty) trong khi ở miền Nam chỉ có 1 công ty với tổng công suất khoảng 20.000- 25.000 tấn/ năm, với sản lượng tiêu thụ của cả nước ước đạt 50.000- 60.000 tấn/ năm bao gồm cả sản phẩm nhập khẩu. Trong đó có một nhà máy công suất lớn là như là DAG đạt 15.000- 20.000 tấn/ năm, còn lại là thị phần của các công ty khác.

Về thị phần: Hàng hóa sản xuất từ các doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 60% thị phần, còn lại 40% là phải nhập khẩu, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc chiểm 90%, còn lại là nhập khẩu từ Malaysia và các nước Châu Âu là 10%.

Về Công nghệ và thiết bị: Các đơn vị này chủ yếu sử dụng dây chuyền thiết bị, công nghệ từ Trung Quốc, chất lượng sản phẩm tương đối tốt. Được biết, DAG là đơn vị tiên phong trong đầu tư công nghệ với hệ thống máy móc, thiết bị đồng bộ chủ yếu nhập khẩu từ Châu Âu.

Chất lượng sản phẩm: hàng nội địa đạt tiêu chuẩn Việt Nam, một số sản phẩm đã đạt chất lượng Châu Âu

Nhu cầu thị trường: Ông Bắc nhấn mạnh nhu cầu thị trường ngày càng tăng lên.  Theo chiến lược phát triển nhà ở năm 2014 của Bộ Xây Dựng, tốc độ phát triển nhà ở sẽ tăng 10-15%/năm trong tời gian tới. Như vậy, mỗi một năm, nhu cầu tăng so với năm trước là 1 triệu đến 1triệu 2 m2 nhà ở, kéo theo sự tăng trưởng về thanh nhựa để làm cửa sổ. Theo thống kê của Bộ xây dựng, các công trình xây dựng sử dụng các loại vật liệu làm cửa thì có đến 80-90% là dùng cửa nhựa ( bao gồm Nhà chung cư, nhà ở xã hội),  10-20% còn lại là dùng vật liệu gỗ thông thường. Điều này cho thấy thị trường dùng cửa nhựa ngày càng phát triển.

Thêm vào đó, theo thống kê trong 3 năm qua, tỷ lệ cửa nhựa sử dụng bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng từ 30kg/ người đến hơn 40 kg/người trong khi trung bình các nước Đông Á là 46 kg/người, Thế giới là > 100kg/ người. Trong đó, sử dụng nhiều nhất cửa nhựa là ở Mỹ khoảng 150-160kg/người, ở châu âu là 140-150kg/người.

Ông Bắc cho rằng (1) Với tính năng vượt trội, (2) sản phẩm cửa nhựa phù hợp với điều kiện thời tiết nóng ẩm hay thay đổi và mối mọt nhiều, trong khi sản phẩm cửa gỗ dễ cong vênh và mối mọt và (3) Xu thế phát triển sản phẩm từ vật liệu xanh thân thiện môi trường, giảm các vật liệu đi từ tự nhiên thì xu thế phát triển cửa nhựa  là xu thế phát triển của Việt Nam và thế giới.

 

Cạnh tranh trong ngành nhựa diễn ra khá gay gắt trên thị trường Việt Nam.


 



(Ông Đặng Trần Hải Đăng – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu – Phân tích VietinBank Securities)

Tiếp theo là phần trình bày của Ông Đặng Trần Hải Đăng – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu – Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank Securities). Bên cạnh những thông tin tổng quan về ngành nhựa như Ông Bắc đã trình bày, Ông Đăng đề cập đến vấn đề nổi bật hiện nay của ngành nhựa xây dựng đó là việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nhựa xây dựng trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, ông Đăng  đưa ra những thông tin cụ thể về cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành nhựa xây dựng. 

 

Đồng tình với quan điểm của ông Bắc, ông Đăng cho rằng thị phần mảng nhựa xây dựng chỉ chiếm 18,2% tổng ngành tuy nhiên nhưng tốc độ phát triển của nhựa xây dựng khá lớn 15-20%/năm nên tiềm năng phát triển mạnh. Hiện nay, có 180 doanh nghiệp đang hoạt động trong 02 mảng là ống nhựa xây dựng và nhựa vật liệu xây dựng. Mảng ống nhựa xây dựng với doanh thu khoảng 12,3 nghìn tỷ đồng với 02 doanh nghiệp lớn là nhựa Thiếu Niên Tiền Phong và Nhựa Bình Minh. Còn đối với mảng nhựa vật liệu xây dựng bao gồm nhựa Profile, Nhôm Composite và tấm trần nẹp cửa thì Nhựa Đông Á là doanh nghiệp nội chiếm thị phần nhiều nhất.  

 

Vấn đề của ngành nhựa xây dựng đó là cuộc chiến M&A và cạnh tranh trên sân nhà.

 

Thứ nhất, đối với mảng ống nhựa, với nhược điểm là cồng kềnh, khó vận chuyển nên doanh nghiệp trong nước không vấp phải việc cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm  ngoại nhập. Thay vào đó, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường Việt nam qua kênh M&A. Hiện nay, trên thị trường ống nhựa, các doanh nghiệp nội cùng phát triển trong đó NTP chiếm 60% thị phần miền Bắc và BMP chiếm 50% thị phần Miền Nam, nên việc các doanh nghiệp ngoại tham gia mua bán và sáp nhập những doanh nghiệp lớn này là điều dễ hiểu. Room khối ngoại đối với DN nhựa không hạn chế có thể lên đến 100% và vì thế việc chen chân vào các DN nhựa không có gì là không thể.

 

Ông Đăng đưa ra ví dụ về Nhà đầu tư nước ngoài là Nawaplastic Industries (công ty con của SCG, Thái Lan) đang nối dài cánh tay của mình ở thị trường Việt Nam thông qua hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A), SCG đang nắm trong tay thị phần không hề nhỏ của 02 ông lớn ngành nhựa ống, hơn 20% cổ phần BMP và 23,84% cổ phần của NTP. Ngoài ra, các doanh nghiệp của Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đang nghiên cứu và chuẩn bị những bước đi xâm nhập vào thị trường. Trước sức ép cạnh tranh quá lớn, DN nhựa XD Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư đưa để vượt qua những đối thủ lớn trong khu vực.

 

Thứ hai, với mảng nhựa vật liệu xây dựng, Khác với mảng nhựa ống, DN nhựa xây dựng vấp phải cạnh tranh trên sân nhà bao gồm việc cạnh tranh với các sản phẩm thay thế và cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại trên thị trường – ông Đăng phân tích.

 

      
Cạnh tranh giữa sản phẩm thay thế: Hệ thống của nhựa với vật liệu chính là nhựa profile và Nhôm composite phải cạnh tranh với các sản phẩm cửa gỗ truyền thống và cửa nhôm. Tuy nhiên, cửa nhựa với ưu điểm độ bền cao, chi phí thấp, dễ vẫn chuyển đang dần được ưu chuộng đối với thị trường bất động sản tầm trung chiếm thị phần 35% và đang có xu hướng tăng lên.

 

      
Cạnh tranh giữa sản phẩm nội và sản phẩm ngoại: Vấn đề nổi trội là việc doanh nghiệp Việt đang phải cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập (Đặc biệt là từ các doanh nghiệp Trung Quốc) trên sân nhà. Hàng nhập khẩu Trung Quốc với mẫu mã phong phú, đa dạng nên đang chiếm thị phần lớn trên thị trường Việt Nam, đặc biệt là thị trường thanh profile (hàng nhập khẩu chiếm đến 60%).

 

Sản phẩm nhựa Việt Nam tuy xuất hiện sau nhưng chất lượng được đánh giá tốt, giá thành tầm trung, thời hạn bảo hành cao và chiếm được tình cảm của chính bản thân người tiêu dùng Việt Nam (tin dùng hàng trong nước) nên nếu DN nhựa Việt Nam đầu tư sản xuất, xu hướng sản phẩm nhựa Việt Nam sẽ có tính cạnh tranh cao và thị phần tăng lên. Thực tế, các sản phẩm nhôm composite, tấm trần, nẹp trang trí , hàng nội địa đang chiếm đến gần 100% thị phần.

 

Ngành nhựa xây dựng có tiềm năng phát triển mạnh trong thời gian tới

 

Ông Đăng cho rằng ngành nhựa xây dựng có tiềm năng phát triển mạnh trong thời gian tới vì những lý do sau:

 

Thứ nhất, theo quy hoạch phát triển ngành nhựa, cơ cấu ngành nhựa sẽ chuyển dịch cơ cấu, giảm nhựa gia dụng và bao bì, gia tăng thị phần nhựa xây dựng từ 18% (2015) lên 25% (2020) và đến 27% (2025).

Thứ hai, Thị trường bất động sản tăng trưởng, nhu cầu xây dựng nhà ở và hạ tầng tăng lên là điều kiện thuận lợi cho ngành nhựa xây dựng phát triển. Từ 2016-2020, nhu cầu cửa/cửa sổ ước sẽ tăng trung bình mỗi năm 42,8 triệu m2. Với thị phần hiện tại của hệ thống cửa nhựa đạt 35%, dự kiến nhu cầu cửa nhựa mỗi năm sẽ tăng trung bình 14,9 triệu m2.

Thứ ba, Gia tăng thị phần với sản phẩm thay thế, sản phẩm ngoại nhập. Sản phẩm cửa nhựa với ưu điểm độ bền cao, chi phí thấp, dễ vẫn chuyển đang dần được ưu chuộng đối với thị trường bất động sản tầm trung và đang có xu hướng tăng lên so với các sản phẩm thay thế.

 

Cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành nhựa xây dựng

 

Nội dung thứ hai của phần trình bày, ông Đăng đưa ra những thông tin về cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành nhựa xây dựng. Ông Đăng điểm qua một số doanh nghiệp ngành nhựa xây dựng nổi bật bao gồm:

      
Nhựa Tiền Phong: Doanh nghiệp ống nhựa chiếm 65% thị phần miền Bắc với sản lượng tiêu thụ 70.904 tấn/năm. Kết quả 9 tháng đầu năm, NTP đạt doanh thu 3.103 tỷ đồng, tăng 22%; Lợi nhuận trước thuế đạt 319,7 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ 2015.

      
Nhựa Bình Minh: Doanh nghiệp ống nhựa chiếm 50% thị phần Miền Nam với sản lượng tiêu thụ 67.857 tấn SP/ Năm. Kết quả 9 tháng đầu năm, BMP đạt doanh thu thuần 2.479 tỷ đồng tăng 20%  và lợi nhuận trước thuế đạt 663 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 540 tỷ đồng tăng 39%.

      
Nhựa Đông Á: Doanh nghiệp nhựa vật liệu xây dựng với sản lượng tiêu thụ 35.000 tấn/năm

 

Ông Đăng tổng hợp thêm, trong 1 năm trở lại đây, các cổ phiếu trong ngành nhựa xây dựng như BMP, NTP, DAG đã có diễn biến giá tốt hơn chỉ số VN-Index nói chung. Chỉ số thị trường P/E và P/B của các cổ phiếu này cũng đang ở mức khá hấp dẫn, đặc biệt như cổ phiếu DAG (có P/E P/B lần lượt là 11,95 và 1,25, thấp hơn trung bình ngành là 12,3 và 2,98 lần).

 

Gặp gỡ doanh nghiệp Nhựa xây dựng – CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á (DAG)

Trong buổi hội thảo này, cũng có sự góp mặt của đại diện DN trong ngành Nhựa xây dựng – CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á, mã niêm yết DAG (HOSE), hiện đang được đánh giá là một trong những cổ phiếu nhựa vật liệu xây dựng hết sức tiềm năng trong ngành. Đây là cơ hội gặp gỡ, giao lưu trực tiếp giữa doanh nghiệpnhà đầu tư, giúp NĐT quan tâm đến DAG nói riêng và doanh nghiệp nhựa nói chung có được cái nhìn sâu hơn về tình hình HĐKD của DN. 

 


(Ông Nguyễn Bá Hùng – CT HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á) 

 

Ông Hùng phát biểu, công ty Tập đoàn nhựa Đông Á là
Tập đoàn tiên phong trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm phục vụ trong ngành xây dựng và trang trí nội ngoại thất
, hoạt động theo mô hình mẹ con, có ba nhà máy là (1)
nhà máy tại
Hà Nam (80.000 m2 / sản lượng 40.000 tấn/năm các sảm phẩm tấm ốp trần, profile, tấm nhôm, PP, mica…),
(2)
nhà máy ở Thanh Trì (200.000m2/năm sản xuất cửa uPVC) và
(3)
kho trung chuyển tại KCN Tân Tạo
.

Công ty có công suất hiện tại là 35.000 tấn/năm các sản phẩm thanh profile và 200.000 m2/ năm các sản phẩm cửa uPVC. Công ty có kế hoạch tăng con số này lên 54.000 tấn/năm và 300.000m2/ cửa trong giai đoạn tới. DAG tập trung chuyên sâu các sản phẩm công nghệ mới, hướng tới thân thiện môi trường. Thông qua quá trình thăm dò, ban đầu công ty nhập khẩu để tiến hành thương mại, sau đó nghiên cứu công nghệ, đầu tư may móc sản xuất để đưa ra sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng. Đây là chu trình kinh doanh an toàn ít rủi ro. Giá trị cốt lõi của doanh ghiệp là lấy khoa học làm nền tảng, lấy quản lý để mưu cầu hiệu quả, lấy chất lượng để mưu cầu sinh tồn, lấy uy tín để mưu cầu phát triển, khát vọng của DAG là không ngừng duy trì phục vụ nhu cầu nhựa xây dựng và quảng cáo, tại Việt nam cũng như là  vươn ra thị trường quốc tế.


 

Tiếp theo là phần trình bày của Ông Trần Việt Thắng – Phó Tổng Giám đốc đại diện của CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á


 




 



(Ông Trần Việt  Thắng – Phó Tổng Giám đốc  – CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á)

Câu chuyện về môi trường, câu chuyện mà được nhà đầu tư và người tiêu dùng quan tâm, được ông Thắng nhấn mạnh đầu tiên trong bài trình bày. Theo ông Thắng trong ngành kỹ thuật, những gì màu trắng là sản phẩm nguyên sinh còn những sản phẩm có màu là sản phẩm tái sinh. Sản phẩm từ Tập đoàn Nhựa đông Á là sản phẩm nguyên sinh, không có ô nhiễm. Điều này là Nhờ doanh nghiệp thực hiện theo  tiêu chuẩn Nhật Bản, các kỹ thuật khoa học sử dụng trong quá trình sản xuất đều quan tâm đến hệ thống đảm bảo chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường. 

2010-2015,  giai đoạn tăng trưởng mạnh , doanh thu tăng trưởng +20%/năm

Hiện nay Tập đoàn Nhựa Đông Á đã niêm yết trên sàn HOSE với mã chứng khoán DAG với EPS đạt 1.240đ/cp, PE đang ở mức 12 lần, giá trị sổ sách 12.400đ/cp. Số lượng cổ phiếu lưu hành là gần 40 triệu cổ phiếu.

Ông Thắng nhấn mạnh, Tầm nhìn của DAG là Phát triển DAG thành một tập đoàn sản xuất vật liệu xây dựng – trang trí ngoại thất hàng đầu Việt Nam và vươn ra khu vực. Với Sứ mệnh: Tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp và tính hiệu quả – tạo ra sản phẩm chất lượng, thân thiện môi trường – Phát triển bền vững, đem lại hiệu quả cao nhất cho nhà đầu tư và tập thể cán bộ công nhân viên

Và Giá trị cốt lõi: Lấy khoa học làm nền tảng, Lấy quản lý để mưu cầu hiệu quả, Lấy chất lượng để mưu cầu sinh tồn, Lấy uy tín để mưu cầu phát triển

Giới thiệu về tập đoàn Nhựa Đông Á, ông Thắng trình bày nổi bật rằng: Tập đoàn Nhựa Đông Á Là một Tập đoàn tiên phong trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm phục vụ trong ngành xây dựng và trang trí nội ngoại thất. Với nhà máy chính tại Hà Nam (80.000 m2 / sản lượng 40.000 tấn/năm các sảm phẩm tấm ốp trần, profile, tấm nhôm, PP, mica…), nhà máy ở Thanh Trì (200.000m2/năm sản xuất cửa uPVC) và kho trung chuyển tại KCN Tân Tạo, sản phẩm của Tập đoàn Nhựa Đông Á đã có mặt tại cả ba khu vực Bắc, Trung , Nam, trong đó tỷ trọng tiêu thụ tại Bắc và miền Trung là chủ yếu (90%).

DAG đã đưa sản phẩm của mình vào trong nhiều công trình lớn như Mỹ Đình Plaza, Hancorp Plaza, FLC complex, Ecopark, Vinaconex, Licogi 13 Building, ….

Với những thành tựu như vậy, 5 năm giai đoạn 2011-2015, DAG đã đạt được tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, doanh thu năm 2015 đạt 1.254 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2011. Với biên lợi nhuận được cải thiện từ 2,41% lên 3,22%, lợi nhuận sau thuế của 2015 tăng mạnh hơn tốc độ tăng của doanh thu,+ 279% so với năm 2011.

Về tình hình tài chính, Tỷ lệ doanh thu/Tổng tài sản luôn đạt trên 1,3 lần mặc dù tổng tài sản tăng trưởng nhanh. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ/ vốn chủ sở hữu trước năm 2014 thì khá cao (3,19x), nhưng sau khi tăng vốn thì con số này đã giảm chỉ còn 1,03x năm 2015.

Nhựa Đông Á – Công ty quy mô vừa nhưng tiềm năng phát triển lớn

Ông Thắng cho rằng, Tập đoàn Nhựa Đông Á có tiềm năng phát triển lớn, dựa trên các yếu tố như

(1)  
Doanh nghiệp trong một ngành sản xuất đang phát triển. Về vấn đề này, ông Thắng cho rằng, ngành nhựa nói chung và ngành nhựa vật liệu xây dựng nói riêng vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh và tiếp tục được dự báo tăng trưởng tốt khi mà (a) Nhu cầu sử dụng nhựa bình quân đầu người của Việt Nam đang tăng hàng năm, đạt 41 kg/người năm 2015 so với 37 kg/người năm 2011 (b) Con số tiêu thụ bình quân của Việt Nam thấp hơn các nước ở châu Á ( 48,5 kg/người), và Thế giới nói chung (69,7kg/người) (c) Ngành Nhựa xây dựng Việt Nam mới chỉ tập trung chủ yếu tại miền Bắc ( > 84%), một phần nhỏ ở miền Trung ( 14%) và còn chưa tập trung nhiều ở miền Nam là một thị trường rộng lớn (d) Nhựa xây dựng đóng tỷ trọng 18% tại thời điểm hiện tại, và sẽ được quy hoạch tăng tỷ trọng lên 25% năm 2020 và 27% năm 2025. Bởi vì, theo ông, nhựa sẽ phát triển dần từ nhựa bao bì, sau đó là hàng gia dụng, và đến nhựa xây dựng thì cũng đang thay thế sản phẩm có tỷ trọng nặng (thép, kim loại). Ngay cả các nước phát triển cũng khẳng định vật liệu càng nhe càng rẻ thì càng được ưa chuộng.

(2)  
Doanh nghiệp hàng đầu trong sản xuất nhựa vật liệu xây dựng : DAG đang chiếm thị phần lớn ở hầu hết các mảng doanh nghiệp kinh doanh. Ví dụ như  (1) Thanh profile với 19,8%; tấm trần, nẹp trang trí với 25%; nhôm composite 15%; Tấm Mica 35%; Nhựa PP 28%; …Số còn lại thuộc về các doanh nghiệp nội địa khác và hàng nhập khẩu, vì vậy DAG vẫn có tiềm  năng tăng trưởng thị phần trong ngành này.

(3)  
Kết quả kinh doanh ghi nhận tăng trưởng mạnh với năm 2015, Tổng tài sản tăng 14% yoy; Lợi nhuận gộp tăng 21 % yoy; và lợi nhuận ròng +31% yoy

(4)  
Công ty có lợi thế cạnh tranh lớn về (a) am hiểu thị trường sâu sắc khi doanh nghiệp thực hiện phương thức kinh doanh hoàn chỉnh từ khải sát thị trường (thu thập thông tin từ đại lý, phân tích đánh giá tiềm năng thị trường ) đến thương mại (trở thành nhà phân phối kết hợp, mở rộng mạng lưới ) đến sản xuất ( trực tiếp đưa ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu đã nghiên cứu). Ông cho rằng, nếu đi vào sản xuất ngay thì chi phí rất cao (b) Đầu tư công nghệ mới để tăng tính hiệu quả (c) Hệ thống hạ tầng sẵn có (d) Hệ thống phân phối rộng khắp

(5)  
Phương thức kinh doanh hiệu quả: Ông Thắng so sánh một số tiêu chí của DAG với nhà sản xuất nội địa khác và hàng nhập khẩu. Ví dụ như

a.    
Quy mô sản xuất/hạ tầng sản xuất: DAG hiện nắm giữ quy mô 35.000 tấn/năm, gấp gần 6 lần so với các doanh nghiệp nội địa khác, và hạ tầng sãn sàng đầu tư tới năm 2020.

b.    
Thông số Sản phẩm: Chất lượng sản phẩm của DAG tốt và bảo hành dài hạn, dịch vụ hậu mãi tốt với giá thành cạnh tranh trong khi hàng nội địa khác có sản phẩm chất lượng trung bình còn hàng nhập khẩu thì dịch vụ bán hàng chưa tốt và giá thành sản phẩm cao.

c.    
Mạng lưới phân phối: DAG rộng khắp với hơn 300 nhà phân phối, trong khi các hãng nội địa khác kênh phân phối còn nhỏ lẻ

 

(6)  
Tài chính lành mạnh: Doanh nghiệp giữ ổn định các chỉ số về thanh toán và đòn bẩy tài chính.

 

DAG dự kiến tăng trưởng doanh thu 17%/năm trong giai đoạn 2016-2020

Hiện sản phẩm DAG nói chung chiếm khoảng 20% thị phần toàn thị trường, cạnh tranh với 35% hàng sản xuất trong nước khác và 45% hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, theo ông Thắng, với những ưu thế riêng biệt như am hiểu thị trường, mạng lưới phủ khắp rộng rãi, làm chủ công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm ổn định , giá thành hợp lý và chính sách hậu mãi tốt, thì mục tiêu của DAG trong giai đoạn tới là chiếm 35-40% thị phần miền Bắc và tiến tới 20% thị trường miền Nam. Ông Thắng cũng chia sẻ đây là mục tiêu khá tham vọng của doanh nghiệp nhưng ông tự tin rằng với những dây chuyền sản xuất đồng bộ mới được đầu tư thì mục tiêu này sẽ có khả năng đạt được.

 

Để thực hiện được mục tiêu này, doanh nghiệp cũng đang chuẩn bị đầu tư thêm dây chuyền sản xuất mới với giai đoạn 1 là 230 tỷ đồng và giai đoạn 2 là 150 tỷ đồng, theo đó, công suất kỹ thuật sẽ tăng từ 12.000 tấn/năm 2013 lên đến 36.000 tấn/năm năm 2016 và giai đoạn 2 là 54.000 tấn/năm năm 2017.

Theo đó, dự kiến tăng trưởng doanh thu 17%-20%/năm trong giai đoạn 2016-2020, đạt 2.779 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 180 tỷ ( +21%/năm) năm 2020. DAG tham vọng không để EPS thấp hơn 2.000 đồng một cổ phiếu.

 

 

Phần hỏi đáp diễn ra sôi nổi

 Tiếp theo chương trình, hội thảo diễn ra sôi nổi với phần trao đổi trực tiếp giữa các chuyên gia và đại diện các bên gồm: Ông Phạm Văn Bắc – Phó vụ trưởng Vụ vật liệu xây dựng,  Ông Nguyễn Bá Hùng– Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á; Ông Thái Hoàng Long – Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng Khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam; và Ông Đặng Trần Hải Đăng – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán Công thương.

 


(Các diễn trả trả lời câu hỏi của NĐT)

NĐT 1: Xin doanh nghiệp DAG cho biết, tiềm năng tăng trưởng của Nhựa Đông Á trong ngắn hạn và dài hạn. Doanh nghiệp sẽ làm gì để tăng tính cạnh tranh và giữ vững sự phát triển bền vững trong tương lai?

 

Ông Hùng: Hiện nay, để thực hiện kế hoạch tăng trưởng tốt và ổn định,  DAG phải


(1)  
Cập nhật và kiểm soát công nghệ mới. Các doanh nghiệp nhựa Việt Nam nói chung, đang sử dụng công nghệ cũng chưa được hiện đại nhưng DAG đã đầu tư 200 tỷ đồng cho công nghệ sản xuất mới nhập từ Châu Âu. Nhà máy này có công suất gần 20.000 tấn/năm, vận hành một ca sản xuất chỉ cần 2 người điều hành. Nếu như trước kia doanh nghiệp nhập máy móc từ Trung Quốc, Đài Loan thì hiện nay doanh nghiệp đã có cái nhìn khác khi nhập hệ thống trộn, máy đùn từ Cộng Hòa Liên Bang Đức, hay Áo. Với công nghệ này, sản phẩm ra cho chi phí sản xuất thấp, chất lượng sản phẩm ổn đinh tốt, được đánh giá là hiện đại nhất khu vực hiện nay.


(2)  
Là vấn đề về quản lý, giảm thiểu chi phí sản xuất, chuyên nghiệp hóa công đoạn, để đem lại hiệu quả cao nhât.


(3)  
Với vấn đề nghiên cứu sản phẩm, luôn luôn phát triển sản phẩm mới, tập trung đưa ra sản phẩm chất lượng tốt nhất giá thành cạnh tranh nhất.


(4)  
Tập trung uy tín của doanh nghiệp trên thương trường, bạn hàng, cổ đông, nhà đầu tư.

 

(Nhà đầu tư đặt câu hỏi trực tiếp tại hội thảo)

NĐT 2: Về yếu tố nước ngoài, như trong bài trình bày của diễn giả, các doanh nghiệp nước ngoài như tập đoàn vật liệu xây dựng Thái lan đã mua cổ phần của Nhựa Bình Minh và  Nhựa Thiếu niên Tiền Phong. Với tiềm năng phát triển của doanh nghiệp, ông Hùng trên quan điểm về người làm nghề, giả sử có một tập đoàn lớn đặt vấn đề với Đông Á, ông sẽ đưa ra quyết định như thế nào?

 

Ông Hùng: Trên thị trường, có hai doanh nghệp sản xuất ống nhưa đã có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Đối với Nhựa Đông Á, việc nhà đầu tư nước ngoài quan tâm mà đem lại giá trị thăng dư cho doanh nghiệp thi đều hoan nghênh.  Đơn cử hiện tại có một doanh nghiệp đang qian tâm đầu tư vào DAG.

Hiện tại,  HĐQT của DAG đang chiếm 54%, trong thời gian tới, ban HĐQT định hướng giảm tỉ lệ sở hữu thông qua tăng vốn . Đây cũng là cơ hội cho nhà đầu tư nước noài và nhà đầu tư trong nước tham gia.

 

NĐT 3: Ông Hùng có nêu một số chỉ tiêu đảm bảo khả năng tăng trưởng DAG, hệ thống quản lý, hệ thống bán hàng, nhưng tôi thấy con số 200 tỷ không phải số quá lớn. Nguồn tiếp cận công nghệ cũng không phải quá bí mật, vậy yếu tố công nghệ có phải yếu tố chính đảm bảo và là rào cản gia nhập thị trường hay không, hay còn yếu tố khác?

 

Ông Hùng: Tôi đồng ý rằng, nếu đủ năng lực tài chính, bất kể nhà đầu tư nào cũng có thể đầu tư được nhà xưởng máy móc, nhưng theo tôi kinh nghiệm là yếu tố quan trọng. Ví dụ, sản xuất thanh profile, có một số phức tạp hơn các sản phẩm khác  bao bì, kỹ thuật đòi hỏi khắt khe, tính chính xác có thể lắp lẫn nhau. Tỷ lệ trộn phối nguyên liệu và phụ gia phải ra công thức phù hợp với thời tiết Việt Nam, đó là điều cốt lõi về công nghệ.

 

Ngoài ra còn có vấn đề về hệ thống phân phối, quản lý là một trong những yếu tố tạo ra sản phẩm cạnh tranh trên thị trường.

 

NĐT 4: Với DAG điểm nhấn vẫn là công nghệ, ông có thể chia sẻ thêm về phòng nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp không? Về vấn đề am hiểu về thị trường, theo tôi, đa số sản phảm này sẽ thay thế sản phẩm gỗ. Tuy nhiên với người tiêu dùng Việt Nam có tính cách ăn chắc mặc bền, xây dựng về lâu dài nên vẫn suy nghĩ sản phẩm gỗ là sản phẩm bền trong khi không biết sản phẩm nhựa có bền không? Doanh nghiệp DAG có cách hóa giải quan điểm này và thay đổi thói quen sử dụng hay không?

 

 

Ông Hùng: Hiện nay, tại thị trường thanh nhựa profile, 55%-60% vẫn nhập khẩu Trung Quốc còn các doanh nghiệp nội địa vẫn đang đầu tư vẫn manh mún. Tuy nhiên, với DAG, doanh nghiệp đang đầu tư trung tâm nghiên cứu để nghiên cứu sản phẩm ( 1) quy mô hiện đại với tổng mức đầu tư lên đến 1 triệu đô (2) đẩy mạnh nghiên cứu sản phẩm mới. Ví dụ thanh Profile, doanh nghiệp đang tiến tới cải thiện chất lượng để kết hợp với Bộ Xây dựng thực hiện hợp chuẩn hợp quy sản phẩm này. DAG cũng đã đầu tư các thiết bị đo lường chất lượng sản phẩm.

 

Về am hiểu thị trường: so với các doanh nghiệp nhập hàng về đẻ thương mại thì với hơn 15 năm kinh nghiệm sản xuất các sản phẩm nhựa vật liệu xây dựng và với hơn 300 nhà phân phối trải dài từ Bắc vào Nam, DAG tự tin am hiểu thị trường hơn so với các doanh nghiệp khác.

 

Về việc đưa sản phẩm đến người tiêu dùng: Đây là mong muốn của tất cả doanh nghiệp sản xuất nói chung và DAG nói riêng. Vì vậy, ngoài chất lượng, mẫu mã, thì DAG cũng quan tâm đến dịch vụ hậu mãi sản phẩm. Điều này, doanh nghiệp đã và đang làm được tại miền Bắc, và mong muốn đầu tư thêm vào miền Nam để phục vụ toàn quốc.

 

 

Ông Bắc bổ sung:  Về lĩnh vực kỹ thuật sản xuất, thì cần có công nghệ và bí quyết công nghệ. Muốn duy trì sản xuất tốt, lợi thế cạnh tranh, bao giờ doanh nghiệp cũng phải đi vào lĩnh vực công nghệ thì mới phát triển được. Theo quan sát của ông Bắc, (1) DAG có chiến lược phát triển kinh doanh theo hướng đầu tư công nghệ hiện đại bằng việc thay từ Đài Loan sang châu Âu. (2) Phòng nghiên cứu và thiết bị thí ghiệm, DAG đã có chủ trương đầu tư 1 triệu đô, là những tiền đề duy trì sản phẩm đảm bảo chất lượng (3) Về tiêu chuẩn, thanh profile đã có tiêu chuẩn 16/214  của Bộ xây dựng (bắt buộc phải đảm bảo chỉ tiêu kỹ thuật để lưu hành trên thị trường, kể cả sản xuất lẫn nhập khẩu về kinh doanh).

 

Khi mà nghiên cứu thị trường, để đưa ra một sản phẩm mới, tôi cho rằng DAG đang định hướng đúng. Ví dụ, khi DAG đầu tư dây chuyền thiết bị chế tạo ra profile lớp phủ bên ngoài giả vân gỗ, sẽ chắc chắn được đón nhận nhiều trong tương lai, vì người tiêu dùng việt Nam thường sử dụng sản phẩm gỗ, sẽ đa dạng hơn thanh nhựa màu trắng đơn thuần. Nếu DAG sử dụng được công nghệ phủ lớp trong điều kiện thời tiết Việt Nam không bị bong rộp thì là chiến lược hợp lý.

 

NĐT 5: Hiện tại, chính sách nhập hàng nguyên vật liệu của DAG bao nhiêu lâu một lần? Với sự biến động giá nguyên liệu đầu vào, doanh nghiệp có chính sách nào ổn định không vì chi phí này chiếm đến 80-90% giá thành? Với định hướng phát triển thị trường Miền Nam, doanh nghiệp mới chỉ có một showroom, doanh nghiệp sẽ làm gì và thời gian nào doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh tại thị trường miền Nam? Hiện tại, từ tháng 9, doanh nghiệp đã đưa vào hoạt động thêm 15 dây chuyền sản xuất, hiện tại hiểu quả của các dây chuyền này như thế nào rồi?

 

Ông Hùng: Nguyên vật liệu nhập khẩu của DAG  không phải hạt nhựa mà là bột nhựa. DAG sử dụng bột nhựa phối trộn với các chất phụ gia khác để ra luôn thành phẩm. Đôi với bột nhựa, nhập khẩu là chủ yếu, thời gian nhập khẩu vào khoảng 30-40 ngày. Doanh nghiệp có bộ phận phân tích, đánh giá và dự báo sự biến động giá nguyên vật liệu và nhu cầu sản xuất đầu ra.

 

Về vấn đề phát triển tại thị trường miền Nam: Năm 2016 là năm tiền đề để thâm nhập thị trường miền Nam, hiện nay doanh nghiệp mới chủ yếu bán cho nhà phân phối đại lý cấp 1.

 

Về 15 dây chuyền sản xuất mới: đã và đang đi vào hoạt động, đang trong quá trình test và thử nghiệm, dự kiến quý 4 đóng góp 15-20% sản lượng của quý 4 ( khoảng 1.500 đến 2.000 tấn), doanh thu sẽ tăng trưởng đáng kể trong thời gian tới.

 

 

NĐT 6: Thanh Profile đang chiếm 38% cơ cấu doanh thu của DAG và bị cạnh tranh bởi hàng Trung Quốc. Ông hãy so sánh đặc tính của sản phẩm DAG và Trung Quốc, thuế áp đầu vào sản phẩm của Trung Quốc hiện nay như thế nào?

 

Sản phẩm profile của DAG khác sản phẩm của Trung Quốc ở:

(1) Về chất lượng: chất lượng DAG đứng đầu doanh nghiệp Việt Nam, có thể so sánh với doanh nghiệp hàng đầu của TQ (hàng trung ương của Trung Quốc)

(2) Về chi phí, vận chuyển chiếm 3%-4% chi phí, nên giá của DAG cạnh tranh hơn hàng nhập khẩu

(3) Đầu tư vốn cho các nhà phân phối: đối với hàng nhập khẩu, họ nhập khẩu ít nhất 1 container profile để tạo ra bộ cửa bao gồm 5 đến 10 chi tiết, nếu thiếu 1 chi tiết thi phải nhập thêm, dẫn đến chi phí sẽ cao hơn

(4) Thời gian đáp ứng chậm: nhập khẩu thì phải mất 30-40 ngày mới có hàng, trong khi đó, DAG đáp ứng trong vòng 7-10 ngày là muộn nhất, nếu có hàng trong kho thì xuất ngay

(5 ) Bảo hành; nhập khẩu đặc biệt là hàng Trung Quốc thì không có bảo hành, các doanh nghiệp nhập khẩu cũng có hệ thống manh mún, hệ thống bảo trợ là không có. Trong khi đó, có những sản phảm DAG bảo hành 12 năm

(6) Về vấn đề đổi hàng, nếu chất lượng không đảm bảo, hàng nhập khẩu không được đổi hàng

(7) Về giá thành, sản phẩm của DAG tương đối cạnh tranh với Trung quốc trung ương. HIện nay có hàng TQ bóc tem dán nhãn DAG, điều đó chứng tỏ rằng, uy tín của DAG đã được tạo dựng trên thị trường

(8) Lợi thế nữa là chính phủ có bảo trợ các doanh nghiệp trong nước, có rào cản về kỹ thuật hợp chuẩn hợp quy, thanh profile của DAG sẽ hợp chuẩn hợp quy đảm bảo chất lượng tốt hơn hàng nhập khẩu Trung Quốc.

 

Về thuế nhập khẩu, thanh profile trước kia có thuế nhập khẩu là 10%, sau đó năm 2016: đã giảm xuống 0%, nhưng theo tôi, thuế chỉ là một vấn đề nhỏ.

 

NĐT 9: Triển vọng DAG tốt, nhưng thách thức là gì? Sản phẩm có sự tương quan như  thế nào với thị trường bất động sản? Theo dự báo của các chuyên gia, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại, đặc biệt phân khúc chung cư trung cấp, điều này có ảnh hưởng đến đầu ra của DAG không vì  doanh nghiệp bây giờ mới bắt đầu đầu tư, điểm thu doanh thu rơi vào lúc bất động sản chững lại không?

 

Ông Hùng: Về thách thức mà DAG phải đối mặt là thách thức khi tham gia thị trường tại miền Nam: phải hiểu được văn hóa tiêu dùng và kinh doanh tại miền Nam. DAG đã có một thời gian nghiên cứu, để có chiến lược chính sách phù hợp để phát triển tại thị trường này. Định hướng, DAG sẽ dành 60-70% sản phẩm phục vụ  thị trường miền Bắc, còn lại 20% phục vụ miền Nam .


Thực hiện: Thu Hằng – Thùy Linh 

 


[TRỰC TIẾP] Hội thảo Ngành Nhựa xây dựng Việt Nam – Câu chuyện cạnh tranh trên sân nhà. Gặp gỡ Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á (DAG)
Call Now Button