Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank Securities), Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty cổ phần Sơn Hà Sài Gòn (SHA) phối hợp tổ chức hội thảo “Cạnh tranh của ngành Hàng gia dụng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành Hàng gia dụng”.
Thời gian: 15h00, thứ Hai, ngày 21/12/2015.
Địa điểm: Trụ sở HNX, số 2 Phan Chu Trinh, Hà Nội 
Hiện đã có hơn 200 NĐT và hơn 20 phóng viên báo chí tham dự hội thảo. 
Đến tham dự Hội thảo gồm có: Ông Phan Thế Ruệ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại; Ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương; Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó TGĐ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội; Ông Khổng Phan Đức – Tổng Giám Đốc CTCP Chứng Khoán Công Thương; Ông Lê Hoàng Hà – Chủ tịch HĐQT CTCP Sơn Hà Sài Gòn; Ông Nghiêm Phú Hùng – Tổng Giám đốc CTCP Sơn Hà Sài Gòn;. 
Phát biểu tại hội thảo, Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó TGĐ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho biết mục đích của hội thảo nhằm cung cấp cho các NĐT kiến thức, kinh nghiệm cũng như thông tin về thị trường, hỗ trợ NĐT ra quyết định đầu tư. Cụ thể, hội thảo lần này sẽ tập trung phân tích, chia sẻ thông tin về triển vọng phát triển của ngành gia dụng – ngành kinh tế đang đứng trước cơ hội phát triển nhanh chóng khi Việt Nam đang chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. 
 
 
(Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó TGĐ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội)
 
Ông Khổng Phan Đức – Tổng Giám Đốc CTCP Chứng Khoán Công Thương phát biểu tại hội thảo cho biết với mục đích hỗ trợ thông tin cho nhà đầu tư về thị trường, về các mã cổ phiếu, đồng thời làm cầu nối giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp, Công ty Chứng Khoán Công thương hiện nay thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo về nhận định thị trường, gặp gỡ doanh nghiệp. Đây là hội thảo thứ 5 mà công ty tham gia tổ chức trong 4 tháng gần đây, 4 hội thảo trước đó đã nhận được phản hồi tốt từ nhà đầu tư cũng như từ phương tiện báo chí truyền thông.
 
Với chủ đề “Cạnh tranh của ngành Hàng gia dụng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành Hàng gia dụng”, ông cho biết hội thảo sẽ tập trung vào phân tích và nhận định những cơ hội và thách thức của ngành Hàng gia dụng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Bên cạnh đó, hội thảo sẽ đánh giá tiềm năng của các cổ phiếu ngành Hàng gia dụng và đưa ra chỉ dẫn về những cơ hội đầu tư triển vọng cho Nhà đầu tư. 
 

(Ông Khổng Phan Đức –TGĐ VietinBank Securities)
 
Ngành gia dụng có nhiều triển vọng tăng trưởng
 
Theo ông Quyền, ngành sản xuất hàng gia dụng được hiểu là ngành sản xuất các đồ dùng, thiết bị sử dụng trong khuôn khổ gia đình, bao gồm: hàng điện tử gia dụng, dụng cụ nấu ăn, nội thất và các thiết bị gia đình khác…
 
Ông cũng cho biết, hiện tại tiêu dùng vào hàng gia dụng chiếm 9% tổng gói tiêu dùng cá nhân và trong 11 nhòm ngành hàng chính thì nhóm ngành hàng gia dụng đứng thứ 4 về quy mô tiêu dùng. Quy mô thị trường ngành hàng gia dụng trong nước khoảng 12,5 – 13 tỷ đô la với mức phát triển cao hơn bình quân. Cụ thể, năm 2014 giá trị bán lẻ tăng 10,65% trong khi nhóm hàng này tăng từ 12 đến 14%. Trong 11 tháng đầu năm 2015, những con số này lần lượt là 9,44% và 14,9%. 
 
Triển vọng của ngành hàng gia dụng là rất lớn, nguyên nhân là (1) Do dân số trẻ dẫn đến nhu cầu hàng gia dụng lớn (18-45 tuổi 57-60%); (2) Thu nhập tăng (trên 2.000 USD) dẫn đến thay đổi nhu cầu về chất lượng, mẫu mã nhiều hơn; (3) Tỷ lệ người tiêu dùng quan tâm đến đồ VN ngày càng tăng, theo thống kê, trong hệ thống siêu thị của Việt Nam có đến 85-95% là thương hiệu Việt như: Happy cook, Sunhouse, Sơn Hà, Tân Á, Điện Quang đang ngày chiếm lĩnh thị trường nhờ công nghệ, giá thành, hệ thống phân phối rộng khắp; (4) Thị trường nông thôn chuyển dịch từ sử dụng các món đồ gia dụng sản xuất thủ công sang sử dụng các thương hiệu Việt quen thuộc.
 
Nói về cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, ông Quyền cho biết các hiệp định mới được ký kết trong năm 2015 như TPP, FTA với Nhật Bản, Hàn QUốc và các đối tác khác đã mở ra cơ hội, thách thức cho ngành sản xuất VN, trong đó có ngành gia dụng. Rất nhiều các cam kết ưu đãi về thuế với nhiều khu vực thương mại quốc tế đã được thông qua như: (1) Đối với thị trường EU – nhóm hàng túi xách, va li, nhựa, gốm sứ, thủy tinh xóa bỏ thuế ngay sau khi có hiệu lực; (2) Đối với thị trường Mỹ – 85% hàng giày dép được xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu, 50% số lượng mã hàng nhựa được xóa bỏ thuế ngay, còn lại lộ trình xóa bỏ hoàn toàn vào năm thứ 3 đến thứ 5; (3) Đối với thị trường Nhật Bản – gần 85% kim ngạch nhập khẩu được xóa bỏ thuế ngay…  
 
Ông Quyền nhận định, đối với các doanh nghiệp nội địa thì vấn đề cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập cũng không phải là quá đáng lo do phần lớn các doanh nghiệp trong ngành đều đã có sự chuẩn bị nhất định để sẵn sàng với lộ trình hội nhập. Ông cũng chia sẻ thêm một số các nguyên tắc cạnh trạnh cơ bản mà các doanh nghiệp cần phải chú trọng: (1) Nghiên cứu, phân tích để lựa chọn thị trường tiềm năng còn bỏ ngỏ ví dụ như thị trường nông thôn; (2) Cải thiện chiến lược quảng bá, marketing; (3) Tim ra sản phẩm mới theo tiêu chí ‘làm ra cái thị trường cần, không phải cái thị trường có’; (4) Đảm bảo tính liên kết dọc giữa nhà cung cấp nguyên liệu – doanh nghiệp sản xuất – đơn vị cung cấp vốn cũng như liên kết ngang giữa các nhà sản xuất cùng ngành hàng, nhằm cải thiện chuỗi giá trị; (5) Phát triển hệ thống phân phối, chú trọng vào chiến lược hậu mãi cho khách hàng khi thế mạnh của doanh nghiệp nội là sự hiểu biết về khách hàng Việt Nam. Ông cho biết, chương trình ‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’ đã được phát động và thực hiện trong 5 năm qua, hiện bước sang năm thứ 6 và đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng chương trình. 
 

 
(Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương)
 
Triển vọng đối với các mặt hàng gia dụng là khác nhau, tùy thuộc vào đặc trưng của sản phẩm
 
Tiếp theo là phần trình bày của Ông Đặng Trần Hải Đăng – Phó Giám Đốc trung tâm Nghiên cứu – VietinBank Securities. Bên cạnh những thông tin tổng quan về những cơ hội, thách thức cùng với triển vọng ngành hàng gia dụng trong bối cảnh hội nhập toàn cầu mà ông Quyền đã trình bày, Ông Đăng muốn NĐT có được thông tin cụ thể hơn về cạnh tranh trong 3 phân khúc ngành mà có sự góp mặt của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường, bao gồm: (1) ngành gỗ gia dụng, (2) ngành thiết bị chiếu sáng, (3) ngành gia dụng inox, cũng như cơ hội đầu tư cổ phiếu của các ngành hàng này. 

 
(Ông Đặng Trần Hải Đăng  – PGĐ Trung tâm Nghiên cứu VietinBank Securities)
 
Gỗ gia dụng
 
Phần đầu bài trình bày, ông Đăng phân tích vị thế của phân khúc ngành gỗ gia dụng. Theo ông, trong bối cảnh một loạt các hiệp định thương mại được ký kết, các doanh nghiệp trong ngành sẽ đối mặt với những thách thức chính như: (1) Đạo luật Lacey kiểm của Mỹ, và các luật Flegt, VTA, FSC của EU yêu cầu các DN xuất khẩu gỗ vào những thị trường này phải xuất trình được nguồn gốc xuất xứ gỗ nguyên liệu. (2) Áp lực cạnh tranh từ các DN FDI và hàng nhập khẩu ngành càng gia tăng, (3) Áp lực cạnh tranh từ hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho các DN gia tăng thị phần sang thị trường Mỹ, Nhật Bản và EU (vốn là những thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam), cũng như nâng cao vai trò của mình trong chuỗi giá trị đồ gỗ gia dụng toàn cầu. Bên cạnh đó, đồ gỗ gia dụng Trung Quốc đang bị áp thuế bán phá giá tại Mỹ là điều kiện tốt cho các DN Việt Nam gia tăng thị phần tại thị trường này.
 
Với thế mạnh là một trong hai nước xuất khẩu gỗ hàng đầu Đông Nam Á, các hiệp định thương mại được kỳ vọng mở ra chu kỳ tăng trưởng mạnh của các DN gỗ gia dụng trong nước. Tuy nhiên, ông Đăng cũng chỉ ra những điểm thiếu sót của DN Việt Nam: (1) Chưa tập trung phát triển thị phần trong nước (2) Chưa tạo dựng được thương hiệu mà chủ yếu là gia công cho các DN nước ngoài, (3) Phụ thuộc vào nguyên liệu gỗ nhập khẩu (gỗ nhập khẩu chiếm tới 50% tổng nguyên vật liệu), (4) Năng suất lao động thấp, trình độ công nghệ lạc hậu so với các nước trên thế giới.
 
Thiết bị chiếu sáng
 
Phần thứ hai của bài trình bày tập trung phân tích triển vọng ngành thiết bị chiếu sáng. Đây là ngành mà áp lực cạnh tranh hiện diện cả ở phân khúc bình dân và phân khúc cao cấp. Áp lực này dự kiến càng gia tăng khi thuế suất đối với các sản phẩm chiếu sáng sẽ được đưa về 0% theo thoả thuận TPP và việc xu hướng tiêu dùng đang dần chuyển sang sử dụng đèn LED (điểm mạnh của các thương hiệu quốc tế – hiện đang được hưởng mức thuế NK rất thấp). Mặc dù vậy, triển vọng ngành cũng được CTS đánh giá là rất tích cực khi ngành BĐS đang hồi phục sẽ góp phần gia tăng nhu cầu các thiết bị chiếu sáng. 
 
Ông Đăng cũng phân tích thêm về điểm mạnh, điểm yếu của các DN lớn trong ngành như là Rạng Đông và Điện Quang. Đây đều là những thương hiệu có uy tín lâu đời, chiếm lĩnh lần lượt 40% và 25% thị trường trong nước (theo thống kê của Nielsen – 2014). Hai doanh nghiệp này đều có thế mạnh như : (1) Mẫu mã đa dạng, phù hợp với mọi nhu cầu của nhà tiêu dùng, (2) Giá thành hợp lý, (3) Sở hữu hệ thống phân phối rộng khắp cả nước. Tuy vậy, trình độ công nghệ mặc dù được tích cực đầu tư và phát triển nhưng vẫn có những khoảng cách nhất định đối với các thương hiệu nước ngoài,  và việc phụ thuộc lớn (25%-40%) vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu là những rủi ro lớn đối với các doanh nghiệp này. 
 
 
( Đông đảo nhà đầu tư tham gia Hội thảo)
 
Gia dụng inox
 
Triền vọng ngành gia dụng inox được trình bày trong phần tiếp theo. Trong đó, ông Đăng nhấn mạnh việc cơ hội gia tăng phân khúc trung và thấp cấp vẫn còn lớn do phần lớn người tiêu dùng Việt Nam chưa có cơ hội để tiếp cận với những sản phẩm cao cấp của các doanh nghiệp FDI hay hàng nhập khẩu. Do đó, tiềm năng phát triển của ngành gia dụng inox còn rất lớn, bất chấp việc rất nhiều thương hiệu cao cấp thế giới bắt đầu kinh doanh tại thị trường Việt Nam như: Elmich, Bosch… cũng như tâm lý ưa chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng Việt Nam. Đứng trước cơ hội lớn như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý khắc phục một số điểm yếu như: (1) Sản phẩm, công nghệ sản xuất không có nhiều sự khác biệt, dễ sao chép, (2) Nguyên liệu thép không gỉ nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia… bị áp thuế chống bán phá giá từ 3% – 37% khiến chi phí đầu vào của các DN nội cao hơn so với chi phí đầu vào của các DN ngoại.
 
Tiêu chí lựa chọn cổ phiếu 
 
Phần cuối cùng của bài trình bày bên phía CTS, công ty thống kê rằng ngành hàng cá nhân – gia dụng luôn nằm trong top đầu tăng trưởng, tỷ lệ tăng trưởng 12 tháng là 27% chỉ thấp hơn so với cổ phiếu ngành ngân hàng và bảo hiểm. Do đó, CTS đưa ra một số tiêu chí về việc lựa chọn cổ phiếu đầu tư thuộc ngành hàng gia dụng, bao gồm: (1) Lựa chọn cổ phiếu đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh, (2) Phân khúc nhóm hàng kinh doanh của doanh nghiệp có triển vọng tốt, (3) Doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh và chiến lược kinh doanh phù hợp, (4) Tiềm lực tài chính lành mạnh. Theo tiêu chí đó, ông Đăng cũng đưa ra một vài cổ phiếu phù hợp cho việc đầu tư như:
DQC, RAL, SHA và GDT. Đây đều là những doanh nghiệp kinh doanh những sản phẩm có tiềm năng tăng trưởng, sở hữu kênh phân phối đa dạng và nắm giữ thị phần lớn. Ông muốn nhấn mạnh với nhà đầu tư thêm 3 điểm chính để phân tích về lợi thế cạnh tranh và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp như sau: (1) Doanh nghiệp có đầu tư nghiên cứu, nắm bắt được nhu cầu thị trường (chiến lược sản phẩm); (2) Các doanh nghiệp cần liên tiếp cải thiện công nghệ để có thể đưa ra các sản phẩm mới để đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng; (3) Liên tục mở rộng hệ thống phân phối.
 
Gặp gỡ doanh nghiệp hàng gia dụng – CTCP Sơn Hà Sài Gòn (HNX:SHA)
 
Trong buổi hội thảo này, có sự xuất hiện của đại diện doanh nghiệp trong ngành – CTCP Sơn Hà Sài Gòn, mã niêm yết SHA (HNX), hiện đang được đánh giá là một trong những cổ phiếu tiềm năng trong ngành hàng gia dụng. Đây là cơ hội gặp gỡ, giao lưu trực tiếp giữa DN và NĐT, giúp NĐT quan tâm đến SHA nói riêng và doanh nghiệp sản xuất hàng gia dụng nói chung có được cái nhìn sâu sắc hơn về tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
 
Đại diện trình bày bên phía CTCP Sơn Hà Sài Gòn là ông Nghiêm Phú Hùng – Tổng giám đốc. Phần mở đầu, ông Hùng chia sẻ các thông tin tổng quan về doanh nghiệp cũng như về tình hình hoạt động kinh doanh của SHA trong những năm gần đây.

 
(Ông Nghiêm Phú Hùng – Tổng Giám đốc CTCP Sơn Hà Sài Gòn)
 
Doanh thu tăng trưởng 30%/năm giai đoạn 2013-2015
 
Ông Hùng cho biết các dòng sản phẩm của SHA đều đang có được thị phần đáng kể trong thị trường cũng như ghi nhận mức tăng trưởng tích cực về mặt doanh thu, lợi nhuận. Cụ thể, thị phần các sản phẩm bồn nước gồm có bồn nước inox và bồn nước nhựa của SHA đạt 35%, bồn rửa inox nhà bếp đạt 28%, bình nước nóng thái dương năng hiện chiếm lĩnh thị trường với 65%. Ngoài ra, kinh doanh ống inox cũng là hoạt động kinh doanh quan trọng của SHA, hiện sản phẩm ống inox do SHA phân phối sở hữu 33% thị phần. Ông Hùng cũng cho biết mức độ tăng trưởng doanh thu của SHA từ 2013 đến nay đạt 30%/năm. Tỷ suất lợi nhuận gộp các mặt hàng của SHA cũng được cải thiện, đều đạt mức trên 30% tại thời điểm quý 3/2015. Lợi nhuận sau thuế SHA chỉ trong 9 tháng 2015 đã tăng gấp đôi so với cả năm 2014, đạt 20,4 tỷ đồng, tương đương mức EPS 2.548 đồng/cp. 
 
Về tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2015, SHA đã hoàn thành 68,4% kế hoạch DT (đạt 382,9 tỷ đồng), vượt kế hoạch lợi nhuận 1,9% (đạt 20,4 tỷ đồng). Với kết quả này, SHA đã tạm ứng cổ tức 300đ/CP (tương đương với tỷ lệ 3%, thực hiện được 30% so với kế hoạch chi trả đề ra là 1000đ/CP)
 
Ông Hùng cũng đã đưa ra nhận định về vị thế của SHA trong bối cảnh hội nhập. Ông cho rằng các điểm mạnh của doanh nghiệp bao gồm (1) Là doanh nghiệp tiên phong với các mặt hàng chiếm thị phần cao trên thị trường; (2) Kết quả sản xuất kinh doanh tăng trưởng tích cực và bền vững (3) Sở hữu hệ thống phân phối rộng khắp, ổn định và tiếp tục được cải thiện; (3) Cơ cấu, bộ máy công ty hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, SHA cũng nhận thấy những điểm yếu cần khắc phục là (1) Còn hạn chế trong áp dụng các công nghệ mới vào sản xuất; (2) Các dòng sản phẩm hiện tại vẫn chưa thực sự đa dạng và vượt trội so với thị trường. Cơ hội của SHA được đánh giá là khá rõ ràng: (1) Nhu cầu thị trường đối với sản phẩm inox được đánh giá là đang tăng trưởng bền vững; (2) Thị trường đang được mở rộng; (3) Có cơ hội đầu tư ra các thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường ASEAN khi các hiệp định thương mại quốc tế đã được ký kết. Ngoài ra, các thách thức trong bối cảnh hội nhập là không nhỏ: (1) Cạnh tranh đến từ các sản phẩm thay thế; (2) Bối cảnh hội nhập và hợp tác sau khi các hiệp định thương mại được ký kết như TPP cũng tạo cơ hội cho các thương hiệu nước ngoài thâm nhập thị trường, làm gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường; (3) Rào cản gia nhập ngành thấp. 
 
Nói về định hướng của doanh nghiệp trong thời gian tới, ông Hùng cho biết sẽ tập trung mở rộng thị trường nhằm đạt mức tăng trưởng doanh thu bình quân ở mức trên 20%/năm tứ 2016-2018, nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Nhận thức được yếu điểm về mặt công nghệ, SHA lên kế hoạch đầu tư thêm 2 nhà máy cho tới năm 2018, bên cạnh nhà máy Chu Lai vừa đi vào hoạt động cộng thêm đặt mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm (tăng thêm 30% mặt hàng mới vào năm 2017). Định hướng hoạt động của SHA nhằm vươn tới tầm nhìn ‘Trở thành Nhà sản xuất hệ thống chứa và xử lý nước cho mọi nhu cầu hàng đầu trong nước’
 

Tiếp theo chương trình, hội thảo diễn ra sôi nổi với nội dung tọa đàm Cạnh tranh của ngành Hàng gia dụng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành Hàng gia dụnggiữa các chuyên gia trong lĩnh vực Hàng Gia dụng và Chứng khoán bao gồm: Ông Phan Thế Ruệ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại; Ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công thương; Ông Lê Hoàng Hà – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sơn Hà Sài Gòn; Ông Khổng Phan Đức – TGĐ – CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam

 

(Các chuyên gia tham gia tọa đàm)




MC:  Thưa quý vị, các phần trình bày vừa rồi của các chuyên gia đã chia sẻ đánh giá về cơ hội, thách thức của ngành hàng gia dụng trong bối cảnh hội nhập, vậy dưới góc nhìn của một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong ngành cho phép tôi xin được hỏi ông Phan Thế Ruệ, ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

 


Ông Ruệ: Hiện nay, triển vọng của ngành gia dụng Việt Nam là rất lớn. Thứ nhất là về cơ hội tại thị trường trong nước. Không phải tới khi Việt Nam ký các hiệp định thương mại thì cơ hội mới tới với DN, mà cơ hội hiện đã có sẵn tại thị trường nội địa. Cụ thể, Việt Nam có dân số lớn, trên 90 triệu dân và tính tới năm 2020 sẽ vượt mốc khoảng 100 triệu. Do đó, số lượng hộ gia đình mới sẽ không ngừng tăng lên dẫn tới nhu cầu các mặt hàng gia dụng cũng sẽ tăng theo. Đặc biệt, dư địa phát triển tại thị trường nông thôn (chiếm 70% tổng dân số) cho ngành hàng gia dụng Việt Nam là rất lớn. Trên thực tế, trong khi thị trường tại các thành phố lớn đã bão hoà thì tại các khu vực nông thôn, hàng gia dụng đang cực kỳ thiếu thốn, và chưa có sự cải thiện rõ rệt về chất lượng và mẫu mã, đa phần vẫn là các công cụ sản xuất thủ công. Mặc dù đã có những chính sách, chương trình nhằm mục đích cải thiện tiêu dùng tại thị trường này như “Chiến dịch người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhưng thực tế vẫn chưa có sự chuyển biến. Nguyên nhân chính của việc này là: (1) Thu nhập người dân vẫn còn thấp, (2) Thiếu sự quan tâm của các doanh nghiệp. Như vậy, để khai thác thị trường tiềm năng này, cần phải có sự kết hợp giữa chính sách hỗ trợ của nhà nước, như chính sách phát triển kinh tế nông thôn, cũng như trách nhiệm từ phía doanh nghiệp trong vấn đề tìm hiểu thị hiếu thị trường.

 


Tiếp theo là cơ hội mở rộng thị trường thế giới nhờ xoá bỏ hàng rào thuế quan theo quy định của các hiệp định thương mại như TPP, cộng đồng kinh tế ASEAN… Tuy nhiên cơ hội cũng kèm theo thách thức, đặc biệt là vấn đề xuất xứ hàng hoá hạn chế nguồn nguyên liệu đầu vào do hiên nay Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ các nước ngoài TPP. Bên cạnh đó, hàng Trung Quốc giá rẻ không sợ rào cản thuế sẽ tạo áp lực cạnh tranh rất lớn tới các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tích cực đầu tư vào công nghệ, hệ thống phân phối để hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh

 


MC:  Xin Cám ơn ông Phan Thế Ruệ về những chia sẻ vừa rồi. Vậy dưới góc nhìn của một chủ doanh nghiệp, xin mời ông Lê Hoàng Hà –  Chủ tich HĐQT CTCP Sơn Hà Sài Gòn chia sẻ về những khó khăn và cơ hội của bản thân DN trước bối cảnh hội nhập. Bên cạnh đó, ông có thể chia sẻ về kết quả kinh doanh và cổ tức 2015?

 


Ông Hà: Tất cả các DN của người VN đều cảm thấy phấn khởi trước hội nhập. Tuy nhiên, những người làm chính sách cũng như các nhà quản lý vẫn đang trăn trở hội nhập sẽ như thế nào. Do đó, ngoài việc trông chờ vào các cơ chế của chính phủ, các doanh nghiệp cần chủ động thay đổi để thích nghi với bối cảnh hội nhập. Cụ thể, Sơn Hà đã xúc tiến tìm hiểu xuất khẩu hơn 10 năm nhưng 5 năm gần đây mới tiến hành thực hiện. Lý do của quá trình này là do doanh nghiệp cần phải cân nhắc liệu chất lượng sản phẩm của mình có đáp ứng được nhu cầu thị trường thế giới, cũng như phải tìm hiểu luật chơi quốc tế một cách cặn kẽ.

 


GIá trị lớn nhất của việc hội nhập là cơ hội cho DN đưa hàng hóa sang thị trường tiềm năng khác. Do đó, chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi, đặc biệt về mặt công nghệ, tuy nhiên không thể ngay 1 lúc mà thay đổi dây chuyền sản xuất. Trước 2015, Sơn Hà chủ yếu xuất khẩu sang các nước trong khu vực như Lào, Campuchia. Đến nay đã đầu tư dây chuyền để sản xuất sản phẩm cao cấp xuất sang Mỹ, Canada. Tuy nhiên, doanh nghiệp không mạnh ở thị trường trong nước thì khó có thể xuất khẩu mạnh do thị trường quốc tế chứa đựng nhiều rủi ro.

 


Năm 2015, Sơn Hà dự kiến đạt khoảng gần 500 tỷ đồng doanh thu, tương ứng gần 90% kế hoạch do kế hoạch điều tiết thị trường. Lợi nhuận năm 2015 đạt khoảng 28 tỷ đồng, tăng 140% so với kế hoạch

 


MC: Cám ơn ông, tham gia buổi hội thảo ngày hôm nay cũng có nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành hàng gia dụng VN như tập đoàn Sunhouse, là doanh nghiệp đi tiên phong trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh đồ gia dụng, với những sản phẩm mang tính đột phá trong công nghệ sản xuất đồ gia dụng như: Chảo chống dính, bộ nồi inox, bộ nồi nhôm, dòng sản phẩm nồi cơm điện được sản xuất bằng công nghệ Hàn Quốc… Sunhouse đã tạo ra cuộc cách mạng đổi mới thói quen tiêu dùng của người Việt, đó là sử dụng đồ gia dụng của người Việt Nam

 


Sau đây tôi xin trân trọng giới thiệu  ông  Nguyễn Xuân Phú- Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội – Chủ tịch HĐQT CTCP tập đoàn Sunhouse sẽ có đôi lời chia sẻ về những nhận định của DN ông đối với ngành gia dụng trong bối cảnh cạnh tranh như hiên nay?

 


Ông Phú: Ngành gia dụng sẽ là ngành cực kỳ triển vọng trong 3 năm tới do một vài yếu tố: (1) Đây là ngành sử dụng chứ không kinh doanh vật liệu cơ bản. Đặc biệt khi giá bán lẻ thành phẩm gần như ít thay đổi trong khi giá các loại vật liệu cơ bản đang trong chu kỳ giảm và sẽ dự kiến sẽ tiếp tục đi xuống trong vòng 3 năm nữa; (2) Ngành gia dụng là ngành không yêu cầu công nghệ quá cao, sử dụng nhiều lao động. Đây vốn là thế mạnh của Trung Quốc trong thời gian qua. Tuy nhiên thời gian tới, giá nhân công của TQ sẽ tăng nhanh khi thu nhập người dân đã phát triển, Trung Quốc không thể tiếp tục thực hiện chiến lược giá rẻ này. Khi đó, Việt Nam sẽ là thị trường nhiều tiềm năng thay thế Trung quốc trong xuất khẩu với sự dịch chuyển thị trường của các tập đoàn đa quốc gia.

 


Tuy nhiên thách thức đặt ra là hiện nay hàng loạt các đối thủ cạnh tranh ở Thái Lan, Hàn Quốc,… sẽ cũng được hưởng lợi từ thuế 0%. Điều này sẽ đem lại lợi thế cho các công ty thương mại và bất lợi cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Nguy cơ mất thị trường nội địa là rất lớn do xu hướng tiêu dùng yêu cầu sự đa dạng về sản phẩm, mà đây không phải là lợi thế của các doanh nghiệp Việt. Do đó, các doanh nghiệp thuần Việt cần phải hướng tới thị trường xuất khẩu, tuy nhiên, đây vẫn là thách thức do thiếu các chính sách hỗ trợ mang tính vĩ mô, chưa đi sâu vào từng ngành hay những vấn đề nội tại của doanh nghiệp như nhân lực. Dự báo trong vòng 3-5 năm nữa, DN thuần Việt sẽ cực kỳ khó khăn.

 


MC: Tôi cũng muốn hỏi thêm về ý định niêm yết của Sunhouse?

 


Sunhouse dự định niêm yết từ 2012 nhưng sau khi cân đối giá trị mang lại chưa đủ thuyết phục với những hạn chế về quy định dành cho công ty niêm yết, cũng như xu hướng tăng trưởng của ngành chưa thực sự rõ rang. Tuy nhiên, doanh nghiệp luôn cân nhắc ý định niêm yết và sẽ nhanh nhất hai đến ba năm nữa kế hoạch này mới được thực hiện.

 


MC: Cám ơn ông, thưa ông Khổng Phan Đức, ông Phú cũng vừa chia sẻ cái nhìn của mình về triển vọng ngành cùng kế hoạch niêm yết, vậy với tư cách là một nhà tư vấn tài chính doanh nghiệp, ông hãy chia sẻ những tư vấn của ông cho doanh nghiệp về vấn đề này?

 


Ông Đức: Tiềm năng ngành hàng gia dụng trong thời gian tới là rất lớn. Bổ sung về tiêm năng phát triển ngành hàng gia dụng: 66% tổng thu nhập cá nhân người VN được bỏ ra cho chi phí sinh hoạt gia đình, cao hơn nhiều so với người dân Singapore là 32%. Nguyên nhân là do độ thỏa dụng của cá nhân vẫn còn rất xa mới đạt được mức của người dân tại các nước phát triển. Việc đưa sản phẩm về thị trường nông thôn của SHA là rất khôn khéo khi mức độ thoả dụng của người dân khu vực này còn rất thấp. Bên cạnh đó, chi phí dành cho ngành hàng gia dụng chỉ đứng thứ 2 sau chi phí dành cho ngành thực phẩm, đồ uống

 


Nhằm mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhu cầu vốn là một trong những vấn đề nhiều doanh nghiệp quan tâm. CTCP Chứng khoán Công thương đã thu xếp vốn bằng công cụ nợ và trái phiếu thành công với 25,000 tỷ giá trị hợp đồng năm 2015, tương đương với tổng dư nợ của một ngân hàng nhỏ. Với một doanh nghiệp niêm yết trên sàn việc tiếp cận vốn sẽ dễ dàng hơn, độ an toàn cao hơn, sức ép trả nợ thấp hơn.

 


MC: Xin Cám ơn ông Đức. Thưa ông Võ Văn Quyền- Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước- Bộ Công Thương, trước những thách thức của ngành Hàng gia dụng trong bối cảnh hội nhập, xin ông chia sẻ về các chính sách hỗ trợ của chính phủ nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp giữ vững thị phần và phát triển.

 


Ông Quyền: Chức năng chính của các cơ quan nhà nước là tao lập môi trường cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên vẫn có các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp về vốn, phát triển công nghệ, xúc tiến thương mại…Câu chuyện cạnh tranh vẫn phụ thuộc chính vào doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp cần tự lựa chọn hướng đi riêng dựa trên chính sách của nhà nước và tự khẳng định mình để đứng vững trển thị trường.

 


MC: Cám ơn ông! Thưa Ông Ruệ, bên cạnh những hỗ trợ về chính sách, việc doanh nghiệp có những chiến lược hiệu quả và phù hợp là yếu tố quan trọng để tạo nên thành công, xin ông tư vấn những giải pháp, chiến lược cần thiết để doanh nghiệp Hàng gia dụng VN gia tăng sức mạnh cạnh tranh của mình.

 


Ông Ruệ: Trước hết các doanh nghiệp phải đề ra chiến lược cho hoạt động kinh doanh, dự báo được tương lai của ngành hàng để xác định nhu cầu thị trường. Thức hai, mở rộng sản xuất, nghiên cứu, phát triển mẫu mã, sản phẩm, xúc tiến thương mại. Thức ba, cải thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp cần được nâng cao hiệu quả. Thứ tư, phải thường xuyên cung cấp thông tin cho phòng thương mại công nghiệp để Nhà nước có thể biết được tình hình doanh nghiệp nhằm đưa ra các chính sách tháo gỡ.

 


MC: Cảm ơn ông Ruê, ý kiến của ông Quyền như thế nào?

 


Ông Quyền: Bản thân DN Cũng phải có hiểu biết, phản ánh và đấu tranh để nhà nước thực hiện cải cách, đưa ra chính sách tốt hơn.

 

Q&A:


 

NDT1: Nhà máy Chu lai theo kế hoach đến 2017 mới SX ống thép Inox. Hiện tại, sản phẩm này chiếm tỷ trọng trên 50% DT vậy tại sao doanh nghiệp lại lựa chọn SX chậm như vậy?

Hiện tại giá niken đang ở mức thấp, việc này đã cải thiện biên lợi nhuận của SHA khá nhiều. Vậy doanh nghiệp có sử dụng chính sách về giá để tăng thị phần hiện tại ở mức 40% tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên hay không?

 


Ông Hà:
Nhà máy ống thép Chu Lai: SHA và SHI đều trong hệ thống Sơn hà. Lý do mà doanh nghiệp dự kiến đưa vào sản xuất ống thép inox vào năm 2017 là: (1) đây là khoản đầu tư lớn nên cần cân đối khoản đầu tư với sự tăng trưởng của công ty nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững, doanh nghiệp hiện đang ưu tiên gia tăng lợi nhuận hơn thị phần (2) công suất các nhà máy của SHI hiện tại đã đủ để đảm bảo tăng trưởng cho đến năm 2017; (3) các sản phẩm gia dụng đang được ưu tiên trước so với sản phẩm ống thép. Doanh nghiệp đang trong quá trình tích luỹ các nguồn lực để đầu tư nhà máy thép khi công suất nhà máy tại SHI đã hết cỡ.  


          
Hiện tại SHA đã chiếm lĩnh được phần lớn thị trường nên vấn đề giảm giá không phải ưu tiên hàng đầu, nếu có cũng không ồ ạt mà chọn lọc từng thị trường để hỗ trợ giá.  

 


MC: Cảm ơn ông, câu hỏi cuối cùng dành cho ông Đức: Đầu tư cổ phiếu SHA thời điểm này có thích hợp? Trong các cổ phiếu ngành hàng gia dụng, ông lựa chọn cổ phiếu nào để niêm yết?

 



Ông Đức: Nói về vấn đề biên lợi nhuận gộp của ngành hàng gia dụng ở mức 14,2% trong khi SHA đang ở mức hơn 19% (tính 9 tháng đầu năm 2015). Bên cạnh đó, nguyên liệu đầu vào xu hướng giảm, SHA có thị phần lớn và đã giải quyết được vấn đề bão hoà thị trường bằng cách đưa hàng về tiêu thụ về thị trường nông thôn. Do đó, có nhiều lý do để ủng hộ việc đầu tư vào SHA. Ngoài SHA, quý nhà đầu tư có thể chờ thêm cơ hội đầu tư vào Sunhouse trong vài năm nữa.


[TRỰC TIẾP] Hội thảo Cạnh tranh của ngành Hàng gia dụng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu Cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành Hàng gia dụng
Call Now Button