Ngày 30/10/2015, tại Hà Nội,  Công ty Chứng khoán Công thương (VietinBank Securities) và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) phối hợp tổ chức hội thảo “Thị trường chứng khoán cuối năm 2015 & cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành Dệt may”. Hội thảo đã thu hút hơn 200 nhà đầu tư và hơn 30 cơ quan báo chí tham dự. 


Đến tham dự Hội thảo gồm có: Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan – Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm PTGĐ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội; Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam;  Bà Đặng Phương Dung – Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam; Ông Trương Văn Cầm – Tổng Thư ký  Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam; Ông Nguyễn Hách – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Dệt may G.HOME; Ông Nguyễn Minh Giang – Phó Tổng Giám Đốc CTCP Chứng Khoán Công Thương – VietinBank Securities; Ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó phòng Nghiên cứu – Phân tích – Công ty CPCK Công Thương, diễn giả của chương trình. 

 Hội thảo tập trung vào phân tích, đánh giá tiềm năng thị trường từ nay đến cuối năm 2015 đồng thời cung cấp thông tin về triển vọng ngành Dệt may trước những cơ hội lớn từ TPP, FTA. 


Phát biểu tại hội thảo, Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm PTGĐ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho biết: Hội thảo hôm nay sẽ là diễn đàn để các NĐT giao lưu với các chuyên gia đến từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Công ty Chứng khoán Công thương và Lãnh đạo doanh nghiệp – CTCP Đầu tư Dệt may G.HOME. Hội thảo là hoạt động thường xuyên của sở phối hợp với các công ty chứng khoán tổ chức nhằm cung cấp cho các NĐT kiến thức, kinh nghiệm cũng như thông tin về thị trường, hỗ trợ NĐT ra quyết định đầu tư.


(Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó TGĐ Sở Giao Dịch Hà Nội)


 

Ông Nguyễn Minh Giang – Phó Tổng Giám Đốc CTCP Chứng Khoán Công Thương cho biết, thông qua chương trình hội thảo, ông mong muốn các nhà đầu tư có thêm thông tin về thị trường và những cơ hội đầu tư mới, đặc biệt là cơ hội đầu tư vào ngành Dệt may – một trong những ngành hưởng lợi lớn từ Hiệp định TPP.


(Ông Nguyễn Minh Giang – Phó TGĐ CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công Thương)


Các ngành tâm điểm: Vật liệu xây dựng, Công nghệ thông tin và Dệt may 


Tiếp theo chương trình là phần trình bày của Ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó phòng Nghiên cứu – Phân tích CTCP Chứng khoán Công Thương

 

(Ông Đặng Trần Hải Đăng – Phó phòng Nghiên cứu – Phân tích CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công Thương)

Phần  trình bày đầu tiên của ông Đăng giúp nhà đầu tư thấy được cái nhìn tổng quan về tình hình kinh tế vĩ mô cũng như diễn biến thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua. Các chỉ số kinh tế vĩ mô đều cho thấy dấu hiệu phục hồi, chỉ số GDP tăng trưởng ấn tượng, 9 tháng đầu năm đạt 6,5%, cao nhất trong vòng 5 năm qua, đồng thời vượt mức mục tiêu 6,2% như Chính phủ đã đề ra. Một số tổ chức tài chính quốc tế cho biết con số này có thể đạt được mức 6,5% cả năm, thậm chí còn cao hơn. Chỉ số lạm phát ở mức thấp, CPI tháng 9/2015 tăng trưởng âm, và dự báo còn tiếp tục thấp bởi một số nguyên nhân sau: ảnh hưởng giá xăng dầu cũng như chính sách kinh tế ổn định. Đối với hoạt động XNK, Việt Nam đã trở thành nước xuất siêu trong năm 2013, 2014.

 

TTCK vẫn được đánh giá là một kênh đầu tư hấp dẫn, đang quay lại xu thế tăng trưởng ổn định, bền vững hơn với P/E hiện vẫn ở mức hấp dẫn so với các thị trường trong khu vực, thể hiện bằng sự tăng trưởng về giá trị và khối lượng giao dịch cũng như tổng giá trị vốn hóa thị trường. Tính đến phiên giao dịch ngày 28/10/2015, VN-Index tăng 9,51%. Ông Đăng cũng cho biết thêm thông tin thống kê từ Bloomberg là Việt Nam là thị trường duy nhất NĐT nước ngoài mua ròng từ đầu năm đến ngày hôm nay với giá trị 209 triệu USD, trong khi đó TTCK Indonesia và Thái Lan bán ròng lần lượt 1 tỷ và 3 tỷ USD.

 

Thông qua diễn biến TTCK trong thời gian vừa qua, ông Đăng cũng nhấn mạnh đến tác động của TPP, đặc biệt trong giai đoạn trước thềm triển vọng TPP hoàn tất đàm phán và công bố thông tin chính thức, thanh khoản đột biến, VN-Index vượt mốc 580 điểm ngay trong phiên ngày hôm sau (6/10/2015) và tiếp tục duy trì ở mức cao trong tuần. Tuy nhiên diễn biến này chỉ diễn ra trong ngắn hạn nhờ yếu tố tâm lý lạc quan của NĐT.

(Đông đảo các NĐT đã tham gia theo dõi hội thảo)

 

Tiếp theo là phần dự báo về triển vọng thị trường chứng khoán cuối năm 2015 và cơ hội đầu tư. Theo ông Đăng, bên cạnh những yếu tố tich cực như FED duy trì không tăng lãi suất và những chính sách hỗ trợ từ Chính Phủ, đề án thoái vốn từ SCIC, TTCK vẫn phải đối mặt với một số tác động tiêu cực như tình hình Trung Quốc cũng như giá dầu duy trì ở mức thấp, do đó dự kiến TTCK Việt Nam sẽ dao động trong vùng 600 – 610 điểm, tuy nhiên sẽ được phân hóa theo ngành.

 

Trong phần trình bày này, ông Đăng cũng lưu ý các nhà đầu tư một số ngành tâm điểm thích hợp đầu tư vào giai đoạn cuối năm 2015 như ngành Vật liệu xây dựng (HPG, CVT), ngành Công nghệ thông tin (FPT, CMG), Ngành Dệt may với một số mã cổ phiếu tiêu biểu như TCM, TNG, GMC, G20, trong đó ngành Dệt may được được đánh giá là có triển vọng tăng trưởng mạnh trước cơ hội lớn từ việc ký kết các Hiệp định thương mại. Trên thực tế, nhìn chung ngành dệt may luôn có diễn biến giá tích cực hơn so với VN-index, cũng như một số ngành hàng khác. Điển hình trong giai đoạn trước thềm TPP chính thức công bố hoàn tất đàm phán, hầu hết các cổ phiếu trong ngành đều ghi nhận mức tăng giá mạnh.


 (NĐT chăm chú lắng nghe cơ hội đầu tư cuối năm)

 Ngành Dệt may luôn được đánh giá là ngành hưởng lợi nhất từ TPP


Một nội dung mà các nhà đầu tư cũng rất quan tâm là phần chia sẻ từ Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp Hội dệt may Việt Nam về thực trạng hiện nay của ngành Dệt may cũng như triển vọng tăng trưởng từ việc ký kết các Hiệp định thương mại trong thời gian tới.

Ông Giang chia sẻ, Ngành Dệt may luôn được đánh giá là ngành hưởng lợi nhất từ TPP, tuy nhiên chưa cần đến tác động của TPP, FTA trong thời gian tới thì Dệt may đã có được sự tăng trưởng mạnh ngay từ khi gia nhập WTO với tốc độ tăng trưởng 17%-18%/năm. Dự kiến tốc độ tăng trưởng khi TPP có hiệu lực là 25%/năm.


 

 (Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam)



Hiện nay, XK dệt may Việt Nam 5 mặt hàng chiến lược. Ngoài sản phẩm là quần áo, ngành còn XK sợi các loại (KNXK 3tỷ USD/năm), vải (KNXK 1tỷ USD năm 2014), 600 triệu USD nguyên phụ liệu khác, vải kỹ thuật làm đường, mành làm lốp ôtô, xe đạp (Công ty Cao su Sao vàng sử dụng 100 nguyền nguyên liệu của Việt Nam).

Dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng nguồn cung thiếu hụt, phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Ông Giang cho biết 5 năm vừa qua, việc đẩy mạnh đầu tư sản xuất nguyên phụ giúp tỷ lệ nội địa hóa đã tăng lên mức 50%, mục tiêu sẽ đạt mức 70% trong năm 2018.

Dệt may đã và đang thu hút dòng vốn FDI rất lớn, tính đến thời điểm hiện nay đã là 3,5 tỷ USD. Dự kiến trong thời gian tới dòng vốn này còn có sự đột phá hơn.

Nhiều nhà đầu tư e ngại rằng, DN FDI sẽ trở thành thách thức lớn đối với các DN nội địa nhưng theo phân tích của ông Giang, điều này không hẳn là vậy do ngành phụ trợ cho dệt may được hưởng lợi, lao động, nông sản, lương thực thực phẩm. Đặc biệt là, các DN chuyên về may có được thị trường nguyên liệu về giám, thời gian, giao hàng chất lượng, sản phẩm đáp ứng nhanh kịp thời để đáp ứng được điều kiện thị trường lớn. Ngoài ra đây là cơ hội để DN có cơ hội cọ sát học hỏi từ các NĐT FDI.

Bên cạnh những cơ hội, ông Giang nhận định Dệt may VN sẽ phải đối mặt với 3 thách thức: (1) chiến lược đầu tư quy mô dài hạn đến 2040, (2) Đào tạo nguồn lực; (3) Phát triển Công Nghiệp Dệt may đi đôi với bảo vệ môi trường bền vững.

Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2020, XK Dệt may đạt 30 tỷ USD, nhưng tính đên năm 2015 XK dệt may đạt được 28 tỷ USD, vượt 5 năm so với kế hoạch. Theo đó VITAS dự kiến đến năm 2020 đạt 50-55 tỷ USD, thậm chí còn cao hơn. Trong gian đoạn 2018 – 2040, Dệt may VN phấn đấu từ vị trí thứ 5 về XK  trở thành công xưởng dệt may TG, sau Trung Quốc.

 

Giới thiệu cổ phiếu Công ty CP Đầu tư Dệt may G.Home (G20)

Trong  phần trình bày, Ông Đăng giới thiệu đến nhà đầu tư cổ phiếu G20, một tân binh mới trên sàn HNX (mới niêm yết ngày 1/9/2015) của Công ty CP Đầu tư Dệt may G.HOME cũng được đánh giá là tiềm năng trong ngành với những luận điểm: kết quả SXKD liên tục được cải thiện kể từ sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động từ Công Ty TNHH MTV sang CTCP vào tháng 4/2014, nâng câo năng lực sản xuất thông qua hoạt động tăng vốn nhằm bổ sung vốn lưu động; triển vọng tăng trưởng dài hạn cũng rất lớn nhờ các Hiệp định thương mại cũng như những lợi thế về sản phẩm đa dạng, đặc biệt là mảng sản xuất bông, giúp DN chủ động về nguyên liệu, hướng tới cung cấp cho khách hàng trọn gói sản phẩm từ nguyên phụ liệu may đến thành phẩm. KQKD ước tính ở mức tương đương với kế hoạch đề ra, LNST dự tính đạt khoảng 12,3 tỷ đồng, EPS đạt 1.281 đồng/cp.

Phần hỏi đáp diễn ra sôi nổi

Tiếp theo chương trình, hội thảo diễn ra sôi nổi với phần hỏi đáp.

Triển vọng TTCK cuối năm cũng như cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành Dệt may trước cơ hội rất lớn từ TPP, FTAs được nhà đầu tư rất quan tâm đón nhận, chính vì vậy hội thảo nhận được một lượng câu hỏi lớn trực tiếp từ hội thảo cũng như qua email.

NĐT: (1)Tại sao lại lựa chọn khu công nghiệp Dệt may Rạng đông tại Nam Định?; (2)Vấn đề về môi trường khi đặt dự án này tại cửa biển?; (3) Vai trò của NĐT Trung Quốc trong dự án này?

Ông Vũ Đức Giang: (1) Về vị trí: Nam định là nôi của nền CN dệt may cả nước, với lịch sử phát triển 132 năm, người lao động có bề dày tay nghề; (2) Về môi trường: khối lượng chất thải khoảng 300.000 m3 khối/ngày nên chỉ có thể thải ra biển mới đảm bảo được vấn đề môi trường, không thể thải ra sông hay hồ. Trên thực tế nhưng quy định về môi trường tại Việt Nam là rất khắt khe, VITAS đã bảo vệ thành công đề án về vấn đề môi trường trước Chính phủ và Bộ tài nguyên môi trường. Dự án đã lựa chọn NĐT Nhật Bản với công nghệ tiên tiến nhằm đảm bảo những tiêu chuẩn về môi trường. Do đó đây không phải là vấn đề đáng lo ngại; (3)Về vấn đề NĐT Trung Quốc, đây là dự án 100% của Việt Nam, chưa có sự tham gia của NĐT Trung Quốc.

NĐT Nguyễn Minh Đức:  Lợi thế của Việt Nam so với các ngành CN dệt may mới nổi như Campuchia, Bangladesh. Cụ thể trong bối cảnh hiện nay VN không còn duy trì được lợi thế về nhân công rẻ do lương bình quân liên tục được điều chỉnh tăng trong thời gian vừa qua, trong khi đó Campuchia đã hưởng thuế suất là 0% khi XK sang Mỹ và EU.

Ông Vũ Đức Giang: Campuchia hay Bangladesh hầu hết là công đoạn may, họ ko có nền CN dệt phát triển như VN, đặc biệt là Campuchia, VN khi là thành viên WTO đã cạnh tranh được rồi chưa kể đến cơ hội từ TPP.

Tốc độ tăng lương là thách thức về lương nhân công, tuy nhiên các DN đã chuyển sản xuất mặt hàng giá trị gia cao (như may complet). Trong giai đoạn 2012-2014, tốc độ tăng lương  là 40%, nhưng tăng trưởng XK vẫn ở mức cao. Khi có áp lực thách thức sẽ thúc đẩy DN phải cải cách tự tìm hướng đi cho mình.

NĐT: Tại sao hiện nay lại thiếu sự tham gia của các DN dệt may trên TTCK? Lộ trình tham gia?

Ông Vũ Đức Giang: Luật Chứng khoán bắt buộc các DN đã cổ phấn hóa phải niêm yết trên sàn chứng khoán. Cụ thể hàng loại các DN dệt may đang có kế hoạch niêm yết trong thời gian tới như May Việt Tiến (VGG), May 10 (M10),  hay Hòa thọ , Đức Giang, Nhà bè…

NĐT: Hoạt động may gia công XK mới được công ty G20 đưa vào hoạt động trong năm 2014. Công ty cho biết triển vọng của mảng kinh doanh này trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Hách: G20 tiếp tục tập trung đàu tư vào ngành cung cấp NPL cho may mặc trong thời gian tới. Đối với mảng gia công XK mới được đưa vào hoạt động từ năm 2014, tính đến cuối năm 2015, hoạt động gia công XK chiếm khoảng 5% trong cơ cấu DT, dự kiến trong 3 năm tới sẽ đưa doanh thu mảng này chiếm khoảng 30%. Tuy nhiên để phát triển cần có thời gian và lộ trình, do đó trước mắt tập trung một xưởng may khoảng 500 công nhân.

NĐT:  Sắp tới chuẩn bị TPP, ông có chiến lược gì để phát triển kinh doanh và nâng cao giá trị đầu tư G20? Được biết G20 có kế hoạch đầu tư sản xuất nhà máy vải không dệt tại Phú Thọ, lý do tại sao lại lựa chọn địa điểm Phú Thọ?

Ông Nguyên Hách: Để đón đầu cơ hội từ TPP, G20 chú trọng đầu tư vào ngành sx nguyên phụ liệu đặc biệt là bông, cụ thể Công ty có kế hoạch đầu tư nhà máy bông phía Nam trong năm nay hoặc trong năm sau (2016), hay nhà máy vải không dệt tại Phú Thọ. Lý do địa điểm Phú Thọ được lựa chọn do có nhiều cơ hội về đất đai và nguồn nhân lực.

 

Thực hiện : Ánh Nguyệt – Thu Hằng – Duy Hưng


(TRỰC TIẾP) Hội thảo “Thị trường chứng khoán cuối năm 2015 & Cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành Dệt may”
Call Now Button