Đấu giá cổ phần là cách không ít DN niêm yết lựa chọn bên cạnh việc phát hành cho cổ đông hiện hữu mỗi khi tăng vốn. DN có nguồn thặng dư và các NĐT cũng có cơ hội mua cổ phiếu với giá thấp hơn thị giá trên sàn niêm yết. Tuy nhiên, những NĐT sở hữu loại cổ phiếu này không phải không gặp những rủi ro…

Ngày 20/10/2009, CTCP Ống thép Việt Đức (VGS – sàn HNX) đã thực hiện thành công đợt đấu giá cổ phần ra công chúng. Trong đợt tăng vốn từ 125 tỷ đồng lên trên 370 tỷ đồng, VGS không dành phát hành hết cho cổ đông hiện hữu, CBNV, mà thực hiện đấu giá 8,254 triệu cổ phần với giá khởi điểm 11.700 đồng/CP. Kết thúc đợt đấu giá, giá đấu thành công bình quân đạt 17.529 đồng/CP, tương ứng tổng giá trị cổ phần bán được là 144,6 tỷ đồng. Vào thời điểm VGS thực hiện đấu giá, giá cổ phiếu này giao dịch trên sàn ở mức 33.200 đồng/CP.

Ngày 12/1, VGS đã niêm yết bổ sung toàn bộ số cổ phiếu phát hành trên, giá giao dịch bình quân đạt 25.200 đồng/CP. Nếu chốt lãi trong ngày giao dịch bổ sung, NĐT tham gia đấu giá đã thu lợi gần 8.000 đồng/CP. Cuộc đấu giá của VGS có thể nói đã làm tất cả các bên hài lòng. Trong khi DN đạt được thặng dư vốn lớn thì NĐT mua được cổ phiếu giá thấp và có lợi nhuận không nhỏ.

Ngày 17/3/2010, CTCP Sông Đà 19 (SJM – sàn HNX) cũng thực hiện đợt đấu giá cổ phần. DN này hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng các công trình dân dụng, thủy lợi, thủy điện… Theo phương án được UBCK cấp phép, SJM sẽ phát hành 3,5 triệu cổ phiếu tăng vốn từ 15 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng.

Trong đó, 1,5 triệu cổ phiếu được phát hành cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, giá bán 10.000 đồng/CP. 1,925 triệu cổ phiếu được đấu giá ra công chúng với giá khởi điểm 12.300 đồng/CP (xác định theo giá trị sổ sách). Ngày 4/2, cổ phiếu này đóng cửa ở mức giá 25.100 đồng/CP. Giả sử đợt đấu giá thành công với mức giá bằng mức khởi điểm, SJM cũng sẽ thu về gần 5 tỷ đồng thặng dư vốn. Còn NĐT chỉ mua cổ phiếu với giá xấp xỉ 50% thị giá trên sàn.

Một DN khác cũng niêm yết trên HNX là cổ phiếu CTCP Sông Đà 25 (mã SDJ) thực hiện đấu giá vào ngày 5/2. Theo phương án được phê duyệt, SDJ (vốn điều lệ 50 tỷ đồng) sẽ đấu giá hơn 1,323 triệu cổ phần với giá khởi điểm 14.500 đồng/CP. Trước ngày đấu giá, có 89 NĐT cá nhân đăng ký đặt mua với tổng khối lượng là 666.900 cổ phần. Như vậy, khối lượng đặt mua mới chỉ bằng 50% khối lượng mà SDJ chào bán.

Điều này đồng nghĩa với việc NĐT sẽ mua được bằng giá khởi điểm. Chốt phiên giao dịch ngày 4/2, giá cổ phiếu SDJ giao dịch mức ở 20.500 đồng/CP. Như vậy, khi đi đấu giá, NĐT đã mua được cổ phiếu ở mức thấp hơn khá nhiều. Tuy nhiên, ở góc độ DN, mặc dù chưa diễn ra nhưng đợt đấu giá đã không thành công, vì lượng cổ phần đặt mua thấp hơn chào bán.

Khi tham gia đấu giá, phần lớn NĐT kỳ vọng sẽ mua được giá rẻ hơn khi mua trên sàn. Và thực tế nhiều cuộc đấu giá đã diễn ra như vậy. Tuy nhiên, đầu tư vào loại cổ phiếu nửa niêm yết, nửa OTC này cũng có không ít rủi ro. Một chuyên gia chứng khoán cho biết, mặc dù cổ phiếu của DN niêm yết nhưng do phát hành qua đấu giá nên không khác mấy cổ phiếu trên thị trường tự do.

Thông thường, DN phải mất ít nhất gần 3 tháng để hoàn thành thủ tục tăng vốn, thay đổi giấy phép kinh doanh, đăng ký niêm yết bổ sung… Quãng thời gian trên là quá dài so với sự biến động của giá chứng khoán chỉ trong vài ngày, thậm chí chỉ trong một phiên giao dịch. Nếu thủ tục niêm yết bổ sung đã xong nhưng thời điểm không thuận lợi, thì quãng thời gian từ đấu giá đến niêm yết còn kéo dài hơn nữa. 

Về phía DN thực hiện đấu giá, giá niêm yết chính là giá tham chiếu, nên khi thực hiện đấu giá khó lòng bán được giá cao hơn. Do đó, việc làm thế nào đưa ra mức giá khởi điểm phù hợp ở thời điểm hợp lý là điều không đơn giản. Rủi ro là không thành công như trường hợp SDJ nêu trên. Đó là chưa kể trường hợp NĐT bỏ cọc nếu vào thời điểm nộp tiền, giá trên sàn giảm thấp hơn giá trúng đấu giá.


Lợi – hại đấu giá cổ phần DN niêm yết…
Call Now Button