Lãi suất USD và VND tăng nhẹ
Từ 16/9, Ngân hàng TMCP SeABank điều chỉnh biểu lãi suất huy động. Đối với VND, mức tăng thêm cao nhất là 0,9 phần trăm/năm lên 9,8 phần trăm/năm (kỳ hạn 12 tháng). Lãi suất USD điều chỉnh tăng cao nhất 0,35 phần trăm/năm lên 3 phần trăm/năm (kỳ hạn 12 tháng).
Cùng ngày, Ngân hàng SHB công bố: Mức tiền gửi tối thiểu bằng VND là 5 triệu đồng với kỳ hạn 13 tháng lãi suất ưu đãi 9,4 phần trăm/năm. Ngân hàng VPBank cũng vừa điều chỉnh tăng lãi suất USD ở tất cả các kỳ hạn với lãi suất huy động cao nhất là 2,8 phần trăm/năm (kỳ hạn 36 tháng).
Mức lãi suất USD cao nhất hiện nay (4,1 phần trăm/năm) thuộc về Habubank với kỳ hạn 60 tháng và số tiền gửi lớn hơn 100 ngàn USD. Còn kỷ lục lãi suất VND thuộc về HDB với 10,2 phần trăm/năm cho kỳ hạn 36 tháng và SCB với 10 phần trăm/năm cho kỳ hạn từ 13 đến 36 tháng.
Như vậy, xu hướng điều chỉnh tăng lãi suất huy động VND và USD vẫn chưa kết thúc. Trong khi, đầu tháng 9/2009, làm việc với Hiệp hội Ngân hàng, đại diện 48/52 Ngân hàng, cam kết giữ ổn định thị trường tiền tệ trong những tháng cuối năm.
Trước động thái điều chỉnh lãi suất đang diễn ra (Trần lãi suất cơ bản NHNN quy định là 10,5 phần trăm/năm) ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết cơ quan này đang có kế hoạch kiểm tra các ngân hàng có mức lãi suất huy động tiền đồng vượt quá 10 phần trăm/năm.
“NHNN hiện không khuyến khích các ngân hàng tăng trưởng dư nợ quá cao, vậy các ngân hàng đẩy lãi suất huy động lên cao nhằm mục đích gì, nguồn vốn huy động đó sẽ được sử dụng cho vay lĩnh vực nào, chúng tôi sẽ kiểm tra” – Ông Hạnh khẳng định.
Giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc, e ngại về lạm phát từ nay đến cuối năm có phải là lý do khiến các ngân hàng lo thiếu vốn và chạy đua tăng lãi suất?
Trả lời Tiền Phong, bà Trần Thị Nguyệt Oanh, Phó Tổng Giám đốc TienphongBank cho rằng: Tăng trưởng tín dụng năm 2009 được NHNN khống chế ở mức 30 phần trăm; kế hoạch năm 2010 cũng nằm ở mức từ 25 đến 17 phần trăm.
Cho đến thời điểm này, nhu cầu về vốn cuối năm đều đã được các ngân hàng tính toán, cân đối tương đối sát và chuẩn bị nguồn. Chúng tôi cho rằng với lãi suất cơ bản được giữ ổn định mức bảy phần trăm/năm, các ngân hàng khó có thể chạy đua lãi suất được.
Còn với dự báo chỉ số giá tiêu dùng tăng 6-7 phần trăm năm 2009, chắc chắn sẽ không tạo ra nhiều áp lực gây lạm phát khiến lãi suất phải chạy theo”- Bà Oanh khẳng định.
Tỷ giá USD/VND nới biên độ
Sau cơn sốt USD tại các NHTM hồi tháng Tám và sốt trên thị trường chợ đen, thị trường ngoại tệ những ngày này đang trở lại bình thường. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng ngày 17/9 giảm 2 đồng so với hôm trước, còn 16.985 VND/USD.
Ngoài thị trường tự do, cơn sốt găm giữ USD cũng không còn nóng khi khoảng cách mua – bán đã giảm, chỉ chênh 10 VND/USD. Phó tổng giám đốc một NHTMCP cho hay: Tuy cung – cầu chưa thực sự thoải mái nhưng nhìn chung, ngân hàng không còn phải lo huy động USD.
Theo giới ngân hàng, nguồn cung USD được khẳng định khá dồi dào, với các lý do: NHNN sẵn sàng bán ngoại tệ cho các NHTM có nhu cầu, các tổ chức tài chính tiếp tục đem vốn ngắn hạn vào Việt Nam thông qua thị trường chứng khoán, doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ đã chịu bán USD cho ngân hàng thay vì găm giữ và doanh nghiệp có nhu cầu cũng đã chuyển sang vay USD thay vì chỉ chọn tiền đồng.
Trong bối cảnh tăng trưởng xuất khẩu đang được dự báo có thể ở mức 0 phần trăm, thậm chí là âm, liệu phương án nới tỷ giá hỗ trợ xuất khẩu có được vận dụng?
TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả – Bộ Tài chính chia sẻ: “Thực tế cho thấy, để hỗ trợ xuất khẩu, cần có những động lực mới, trong đó có việc nới rộng biên độ tỷ giá. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, xuất khẩu không nên quá chạy theo con số. Vì kinh tế thế giới suy thoái, giá các mặt hàng sụt giảm là khó tránh.
Còn về tỷ giá, nới hay không rất cần thận trọng. Bởi bên cạnh xuất khẩu, chúng ta còn phải tính đến cả nhập khẩu và áp lực lạm phát”- Ông Ánh nói.
Tổng Giám đốc LienVietBank Nguyễn Đức Hưởng nhận định: “Cuối năm nhu cầu thanh toán ngoại tệ thường tăng mạnh nên xu hướng tăng tỷ giá thường xảy ra. Nhưng phải tùy thuộc vào cung cầu thanh toán ngoại tệ và thực tế thị trường ngoại hối”.
Trước tin cho rằng tỷ giá sẽ lên tới 18.500 VND/USD, ông Hưởng cho rằng:“Việc tăng giảm tỷ giá chỉ là tạm thời. NHNN chắc chắn đủ sức can thiệp thị trường”.
Trước đó, NHNN đã có động thái được đánh giá là tích cực đối với tỷ giá ngoại tệ là mở rộng biên độ dao động ngoại tệ từ +/- 1 phần trăm lên +/-3 phần trăm sau đó lên +/- 5 phần trăm.